FTX Trên Bờ Vực Phá Sản | Thị Trường Cực Kỳ Hoang Mang
Binance từ chối mua lại FTX bởi lỗ hổng tài chính của công ty này quá lớn. Giá FTT đã giảm không phanh.
Binance từ chối mua FTX
Thứ ba, CZ thông báo về thỏa thuận về việc có thể mua lại FTX, tuy nhiên ông cảnh báo rằng nó sẽ được chờ xử lý cho đến khi quá trình thẩm định hoàn tất. Chỉ sau nửa ngày, Binance đã thông báo rằng theo kết quả của sự thẩm định cũng như các báo cáo tin tức mới nhất liên quan đến việc xử lý sai quỹ của khách hàng và các cuộc điều tra bị cáo buộc của cơ quan Hoa Kỳ, Binance đã quyết định sẽ không theo đuổi việc mua lại FTX.com. Họ mong có thể hỗ trợ khách hàng của FTX cung cấp tính thanh khoản, nhưng các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc khả năng trợ giúp của họ. Và Binance đã từ chối mua FTX bởi lỗ hổng tài chính quá lớn chứ không phải chỉ mất thanh khoản.
Về lỗ hổng tài chính, theo một báo cáo từ Bloomberg được trích dẫn từ một nguồn giấu tên về lỗ hổng tài chính này thực sự có. Bài báo nói rằng, Bankman-Fried đã nói với các nhà đầu tư rằng FTX thiếu hụt tới 8 tỷ USD sau cuộc khủng hoảng thanh khoản. Tờ Wall Street Journal cũng có trích dẫn con số tương tự, họ nói thêm rằng FTX cần một lượng tiền mặt để chi trả cho các yêu cầu rút tiền của khách hàng.
Trước đó, Sam Bankman-Fried đã cố gắng trấn an các nhà đầu tư rằng tài sản của công ty vẫn ổn. Tuy nhiên, anh ta cũng đã xóa các tweet từ ngày hôm trước cho biết FTX có đủ tài sản để trang trải các khoản nắm giữ của khách hàng. Đồng thời nói rằng, khách hàng đã rút hơn 6 tỷ USD khỏi sàn của họ. Nhiều thông tin cho rằng, tweet này nói sai sự thật và FTX cũng như Sam đang bị kiện bởi nhà đầu tư vì thông tin sai khiến họ mất tiền.
Trang web của Alameda Research đã ngưng hoạt động. Còn sàn FTX hoạt động trở lại nhưng cũng thông báo ngưng rút tiền và khuyến cáo không gửi tiền vào sàn.
Sam đã nhắn tin xin lỗi vì trách nhiệm của anh ta trong sự kiện này (trên ứng dụng chat Slack). Sau tin nhắn đó 24 giờ, các nhân viên không còn nghe gì từ Sam. Có nhiều kênh thông tin đang lan truyền rằng Sam đã khai phá sản nhưng điều này chưa được xác nhận.
Thị trường crypto lo sợ và giảm mạnh. Giá BTC đã giảm xuống thấp nhất dưới 16,000 USD và sau đó hồi lại quanh mức này. Sự kiện của FTX đã làm lung lay niềm tin của rất nhiều nhà đầu tư trong thị trường. Token FTT của FTX cũng giảm xuống quanh mức 2 USD. Đồng SOL cũng bị ảnh hưởng theo bởi Sam Bankman-Fried là nhà đầu tư lớn vào hệ sinh thái này, khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ bị ảnh hưởng. Mặc dù là mạng lưới riêng nhưng nhiều token mà được đầu tư bởi FTX cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự kiện của FTX.
Nếu lỗ hổng tài chính của FTX được Bloomberg đưa ra là đúng thì việc FTX sụp đổ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nhiều tổ chức, nhà đầu tư trong thị trường crypto này. Đặc biệt, các công ty đang cho FTX vay thế chấp sẽ ảnh hưởng nặng nhất. Những sự kiện sụp đổ liên đới như vậy đã xảy ra với Voyager và Three Arrow Capital. Câu chuyện của FTX cũng sẽ trở thành ví dụ lớn để các nhà lập pháp sử dụng khi đưa ra luật và thắt chặt thị trường hơn.
Nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại các sàn khác có thể bị ảnh hưởng bởi sự kiện của FTX. Vì vậy, các sàn giao dịch tiền điện tử hiện đã liên tục công bố công khai quỹ dự trữ của họ vì lo ngại mất khả năng thanh toán sẽ làm vật lộn với các nhà đầu tư tiền điện tử sau rủi ro lây nhiễm bắt nguồn từ các vấn đề thanh khoản tại FTX.
Trong 24 giờ qua, chín sàn giao dịch gồm Binance, Gate.io, KuCoin, Poloniex, Bitget, Huobi, OKX, Deribit và Bybit đã đưa ra tuyên bố riêng rằng họ sẽ công khai chứng chỉ dự trữ cây Merkle để tăng tính minh bạch. Thị trường và thông tin rất rất hỗn loạn.
Thời kỳ khó khăn tạo nên phe mạnh
Đây là sự kiện lớn với thị trường crypto sau một vài sự kiện trước đó về Voyager và Three Arrow Capital. FTX là sàn lớn thứ ba trên thị trường crypto cũng đã sụp đổ. Nó là đòn giáng lớn khiến lòng tin với thị trường crypto đang bị lung lay.
Lòng tin là điều rất lớn ảnh hưởng tới thị trường. Một sự kiện tương tự đã xảy ra ở thị trường tài chính Mỹ năm 2008. Thời điểm khủng hoảng và lãi suất tăng cao, hàng loạt các công ty lớn mà mọi người nghĩ không thể sụp đổ đã phá sản, điển hình như Lehman Brothers. Vì vậy, thị trường mất lòng tin vào tất cả những ngân hàng còn lại và nghĩ rằng các ngân hàng đó cũng có thể gặp tình trạng tương tự. Thời điểm đó, Fed đã phải can thiệp và cấp tiền cho vay ngắn hạn hỗ trợ hàng ngàn ngân hàng, công ty để có lại lòng tin của thị trường.
Crypto cũng đang trong giai đoạn gần như vậy. Tuy nhiên, thị trường crypto không có Fed hỗ trợ mà nó tự đứng vững và tồn tại bao nhiêu năm qua. Đây là sự kiện thị trường crypto sẽ phải trải qua. Thuận tin rằng thị trường cũng sẽ có thể vượt qua và tiếp tục phát triển.
Trong lịch sử của crypto, rất nhiều sự kiện tưởng chừng BTC và crypto sẽ sụp đổ hoàn toàn nhưng thị trường vẫn tiếp tục đứng dậy và vượt qua các khó khăn đó. Như năm 2014, sàn Mt.Gox lớn nhất lúc đó bị hack và sụp đổ, hay Dao Hack (2016), Trung Quốc cấm crypto, Bitcoin nội chiến (2017),... nhưng thị trường cũng đều vượt qua.
Bitcoin đã được tuyên bố sẽ sụp đổ hơn 400 lần trong lịch sử nhưng nó vẫn là đồng lớn nhất thị trường đến ngày hôm nay. Những người còn ở lại với thị trường là những nhà đầu tư dài hạn tin tưởng vào thị trường này. Sự kiện xấu, hoàn cảnh khó khăn sẽ đào thải những công ty yếu và không tốt. Còn những công ty tốt và những nhà đầu tư vững tay sẽ tiếp tục ở lại và phát triển cùng thị trường. Thời kỳ khó khăn tạo ra phe mạnh, họ tiếp tục mạnh hơn tạo nên những thời kỳ phát triển thịnh vượng. Những thời kỳ tốt sẽ dễ dàng hơn và cũng tạo ra những phe yếu. Chính phe yếu này tạo nên những thời kỳ khó khăn khi nó không trụ được. Vậy các nhà đầu tư coi mình là phe mạnh hay là phe yếu trong thị trường?
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital