Yên tâm giao dịch XM

FILECOIN - Lưu trữ văn minh loài người vào mạng lưới ổ cứng phi tập trung

31 Tháng 01, 2022 16:59

Đi đâu cũng về La Mã khi sự tự do trao đổi dữ liệu và kết nối qua internet bị bóp nghẹt và quản lý bởi vài công ty lớn. Thay vì dữ liệu trên toàn thế giới tập trung về một vài cái máy chủ khổng lồ, thì Filecoin giúp xé nhỏ nó ra, phân tán nó cho nhiều máy tính hơn trên toàn thế giới.

FILECOIN - Lưu trữ văn minh loài người vào mạng lưới ổ cứng phi tập trung

Ngày xửa ngày xưa, thông tin con người tạo ra được lưu lại qua nét vẽ trên vách đá, sau đó đến da cừu, hiện đại hơn thì được lưu lại và phổ biến qua giấy, hiện tại sách giấy vẫn là một kênh lưu trữ thông tin vẫn còn hiệu quả cho đến ngày nay. 

Khi internet ra đời, thì thông tin vẫn tiếp tục được tạo ra, ngày càng nhiều, nhiều đến mức bạn dành cả đời cũng không thể nào xem hết những bộ phim đã được dựng trong những năm qua. 

Dữ liệu trên không gian mạng trước kia được lưu vào những ổ cứng nặng nề và chi phí khá cao. Nhưng từ khi sự ra đời của điện toán đám mây Amazon vào năm 2006 thì mọi người đã bắt đầu thay đổi cách lưu trữ dữ liệu trên internet. 

 

 

 

 

Ngày nay khi chúng ta xây dựng một trang web thì phần lớn sẽ thuê kho lưu trữ dữ liệu đám mây, có nghĩa là tất cả hình ảnh, video, con chữ trên trang web sẽ được lưu ở một bên khác, mà bạn không cần phải đầu tư máy móc để tự lưu chúng. 

Qua vài năm đại dịch, con người bị chia cách, nhu cầu lưu, gửi, nhận dữ liệu qua mạng tăng cao hơn bao giờ hết. Thế thì những dữ liệu bạn gửi qua internet chắc hẳn là sẽ có một ai đó vận chuyển giùm bạn đúng không? 

Chúng ta gửi dữ liệu qua Google Drive tới người khác thì người trung gian đứng giữa là Google. Hiện tại thị trường điện toán đám mây được thống trị với vài công ty lớn. Amazon, Microsoft, Google, Alibaba và Tencent kiểm soát hơn 70% thị trường điện toán đám mây.

Gần như mọi cá nhân, công ty, tổ chức đều lưu trữ dữ liệu của họ trên một trong những nhà cung cấp dịch vụ này, tuy nhiên chúng ta biết rất ít về cách mà các công ty đó xử lý và bảo mật các dữ liệu này như thế nào. 

 

Các ứng dụng phi tập trung ra đời 

Defi ra đời để mang lại sự tự do cho các dịch vụ tài chính, nhưng bản thân các dự án defi cũng được xây dựng trên các nền tảng tập trung, vẫn cần có tên miền, vẫn cần có hosting (nơi lưu dữ liệu trang web)... Điều đó làm mai một khá nhiều đặc tính phi tập trung của dự án.

Thử tưởng tượng các nhà cách mạng blockchain tạo ra Web3 nhưng dữ liệu vẫn được lưu trên ổ cứng của mấy công ty tập trung thì nó sai sai đúng không?

Filecoin ra đời không phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty điện toán đám mây khổng lồ kia, mà Filecoin sẽ đi một ngách của thị trường, nơi những công ty, cá nhân… muốn lưu trữ dữ liệu trên không gian mạng một cách phi tập trung và không bị kiểm soát. 

Filecoin như một mảnh ghép lớn cho hệ sinh thái của các dApps hiện tại. 

Ngân hàng kiểm duyệt bạn chuyển tiền thì Bitcoin có thể được xem là một giải pháp, nhà nước chặn bạn truy cập vào web thì Filecoin cũng có thể được xem là một giải pháp. 

Filecoin đề xuất giải pháp lưu trữ dữ liệu ngang hàng giống như giao dịch Bitcoin được thực hiện giữa hai cá nhân. 

 

IPFS

Vào năm 2017, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn quyền truy cập của người dân vào Wikipedia theo Luật Thổ Nhĩ Kỳ số 5651, cho phép quốc gia này cấm truy cập vào các trang web được coi là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”. Các công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng truy cập vào bách khoa toàn thư trực tuyến, chứa thông tin chỉ trích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thì đã được chào đón bằng mã lỗi 404. 

 

 

 

 

Đáp lại, những kẻ hacktivists đã lưu một phiên bản của Wikipedia tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và chia sẻ nó trên mạng IPFS mà chính quyền Erdogan không thể chặn do tính chất phi tập trung của IPFS. Thổ Nhĩ Kỳ đã chấm dứt lệnh cấm Wikipedia vào tháng 1 năm 2020.

Hiện tại các trang web hiện tại hoạt động theo giao thức HTTP. Ở trên chúng ta có bàn đến vài ông lớn chiếm hơn 70% thị phần điện toán đám mây, có nghĩa là những thông tin trên mạng bạn đang tìm kiếm hiện nay được triệu hồi từ kho lưu trữ của những công ty đó. 

 

Filecoin là gì


 

Thay vì dữ liệu được lưu trữ tập trung tại các ổ cứng khổng lồ của các công ty lớn thì IPFS đưa ra giải pháp là dữ liệu được chia ra và lưu ở nhiều máy tính của những người tham gia mạng. Mỗi người tham gia giữ một ít dữ liệu. 

Protocol Labs đã phát hành IPFS vào năm 2015 và hoạt động với mô hình từ thiện. Mô hình từ thiện là sao? Là ai có tâm và cùng tầm nhìn thì tham gia vào mạng lưới, mạng lưới sẽ không có cơ chế thưởng phạt, nó hoạt động khá hoang dã và hơi khó để mở rộng. 

Lấy ví dụ như những nhà đam mê tự do, chống độc tài, muốn tự chủ về tiền tệ có thể rất thích Bitcoin. Nhưng từ đầu Satoshi Nakamoto chỉ phát triển mạng Bitcoin không có cơ chế thưởng phạt mà hoạt động với mô hình từ thiện, nghĩa là ai thấy được giá trị của sự tự do thì mua máy tính về cắm điện vào và bảo mật hệ thống. Họ sẽ không được thưởng bất cứ BTC nào khi đào ra khối mới. Cộng đồng sẽ hoạt động một cách tự nguyện và bảo vệ hệ thống bằng túi tiền riêng của mình mà không cần sự trợ cấp. 

IPFS cũng tương tự như vậy, nó là một giao thức tự do cho cộng đồng lưu trữ và chia sẻ thông tin, nhưng thiếu đi chế thưởng phạt, mà phần thưởng thì thường được quy ra tiền. Cái gì liên quan đến tiền cũng khác hơn đúng không các bạn, có tiền sẽ giúp người ta có động lực hơn, trách nhiệm hơn, tính cam kết với mạng lưới cao hơn. 

Vào cuối năm 2017 Filecoin ra đời để khắc phục vấn đề đó. 

 

Filecoin là gì? 

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong thời gian ngắn gọi vốn, Filecoin thu về hơn 250 triệu đô la, vì trước đó cộng đồng đã nhận ra sức mạnh của IPFS qua việc mang lại sự phi tập trung cho việc lưu trữ dữ liệu. Mà nay nó còn được phủ thêm một lớp cơ chế thưởng phạt lên trên và được quản trị bởi đồng FIL. 

Chính thức mainnet vào tháng 10 năm 2020. Và cho đến đầu năm 2021 mạng Filecoin đã đạt tổng dung lượng 2,5 tỷ gigabyte. Theo công bố, dung lượng này đủ để lưu trữ 725 triệu bộ phim 1080p, 11.250 bản Wikipedia. 

Để thấy sự tập trung của dữ liệu trên internet lớn thế nào thì chúng ta có thể xem thị phần của 2 công ty lớn nhất thế giới. Nội dung được lưu trữ trên internet nhờ một số nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây. Lớn nhất là Amazon Web Services (AWS) hiện chiếm 32% thị phần, trong khi Azure của Microsoft chiếm 19% thị phần.

Đi đâu cũng về La Mã khi sự tự do trao đổi dữ liệu và kết nối qua internet bị bóp nghẹt và quản lý bởi vài công ty lớn. Đó là cách hoạt động của kinh tế thị trường và nó xảy ra ở mọi mặt cuộc sống. 

Gọi Filecoin hay các dự án lưu trữ phi tập trung khác như một phương pháp thay thế thì còn quá sớm. Nhưng có thể xem nó cho chúng ta có thêm một sự lựa chọn để lưu trữ thông tin của mình một cách phi tập trung và không bị kiểm duyệt. 

Filecoin là một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ phi tập trung. Thay vì tin tưởng một công ty cung cấp tài liệu của bạn, chúng có thể được chia nhỏ và lưu trên khắp thế giới trên các máy tính khác nhau.

 

Filecoin có an toàn không?

Với ý tưởng tài liệu của bạn được lưu trữ một cách ngẫu nhiên ở một máy tính người khác thì nó có rủi ro quá không? Filecoin giải quyết vấn đề này bằng cách chia nhỏ thông tin ra và đưa nó nhiều máy tính khác nhau, khi bạn cần sử dụng thì các thông tin đó được khớp lại với nhau. 

Giống như chơi ghép hình vậy. VD bạn có một bức ảnh thì mạng lưới sẽ cắt nhỏ nó ra và rải đi nhiều nơi lưu trữ khác nhau và sẽ sắp xếp lại khi được yêu cầu. Nếu lỡ có xui mà một máy bị hack thì những thông tin mà hacker lụm được cũng vô nghĩa.

 

 

 

 

Dữ liệu cũng giống như trò chơi ghép hình vậy, chia nhỏ ra vậy phân phối ở nhiều nơi, khi cần khi tổng hợp và ghép lại thành bức hình ban đầu 


 

Cách hoạt động của Filecoin 

Khác với mạng chia sẻ dữ liệu phi tập trung thuần túy bằng sự tự nguyện như IPFS. Filecoin được xây dựng bên trên IPFS nhưng thêm cơ chế kích thích. 

Từ đây sẽ sinh ra thị trường tự do cho mạng lưới.

Chúng ta sẽ có 3 loại người chính trong thị trường tự do này:

  • Khách hàng, người cần lưu trữ dữ liệu.

  • Người cung cấp ổ cứng để lưu dữ liệu cho khách hàng.

  • Người khôi phục dữ liệu khi khách hàng cần.

Mọi hoạt động kể trên được giao dịch bằng tiền, và đồng tiền được xài là FIL.

Những khách hàng sẽ đưa ra đơn đặt hàng số lượng không gian muốn sử dụng và giá tiền muốn trả, những người cung cấp dung lượng sẽ đưa ra giá tiền mà họ muốn nhận. Có rất nhiều đơn đặt hàng như thế được gửi vào mạng lưới, và nó sẽ tự động khớp lệnh. 

Sau khi đã chọn được nút mạng lưu trữ, dữ liệu của bạn sẽ được mã hoá và chia thành nhiều phần và chia ra lưu trữ ở các nút mạng đã thắng thầu kể trên.

Từ đó tạo ra một thị trường đấu giá cạnh tranh giữa những người cung cấp không gian lưu trữ. 

Và những người cung cấp không gian lưu trữ cũng được gọi là thợ đào, họ sẽ không xài điện nhiều như đào Bitcoin để tạo khối mới, mà họ sẽ sử dụng ổ cứng để cung cấp không gian lưu trữ cho mạng. Càng cung cấp nhiều dung lượng lưu trữ cho mạng, họ càng có nhiều cơ hội nhận được phần thưởng.

Những người cung cấp không gian lưu trữ kiếm được Filecoin bằng cách lưu trữ dữ liệu khách hàng và cung cấp bằng chứng về việc lưu trữ này theo thời gian. Ngược lại, những người thu hồi dữ liệu kiếm được Filecoin bằng cách đặt giá thầu và phí khai thác cho một tệp cụ thể, và triệu hồi lại dữ liệu đó khi khách hàng cần. 

Trong suốt thời gian lưu trữ dữ liệu cho khách hàng, người lưu trữ sẽ liên tục gửi các bằng chứng cho mạng lưới rằng anh ta vẫn đang tiếp tục lưu dữ liệu đó một cách chính xác trong một khoảng thời gian đã thoả thuận. Nếu người lưu trữ cung cấp bằng chứng chậm hoặc không cung cấp anh ta sẽ bị phạt, tất cả các hoạt động này được diễn ra một cách tự động. 

 

Kết luận 

Thay vì dữ liệu trên toàn thế giới tập trung về một vài cái máy chủ khổng lồ, thì Filecoin giúp xé nhỏ nó ra, phân phác nó cho nhiều máy tính hơn. Trong quá khứ, Dropbox đã bị tấn công và 68 triệu mật khẩu người dùng bị rò rỉ trên Internet. 

Quyền lực kiểm soát tài chính và dữ liệu đang từ từ được xé nhỏ ra bởi sự phát triển của các nền tảng phi tập trung. 

Nếu nói về câu chuyện Filecoin ra đời để cạnh trạnh về giá với các ông lớn như Amazon thì hơi khó để tưởng tượng. Nhưng dù sao nó tạo ra một nền tảng quan trọng mà từ đó hàng nghìn các Dapps khác xây dựng lên trên. 

Qua việc xây cầu liên chuỗi từ Polygon qua Filecoin sẽ mang lại nhiều chức năng hơn cho các ứng dụng Polygon yêu cầu lưu trữ phi tập trung. Điều này sẽ đặc biệt liên quan đến hơn 170 dự án NFT và trò chơi đang phát triển được xây dựng trên Polygon. Đó là tiền đề mở ra kho lưu trữ dữ liệu phi tập trung không bị kiểm duyệt cho con người ở thời đại mới. 

 

Bài viết liên quan:

POLYGON - Cung cấp các giải pháp mở rộng ethereum một cách đa khía cạnh

WEB 3 - Là một thuật ngữ dùng để “marketing tạo trend” hay là một cuộc cách mạng mới?

METAVERSE - Vũ trụ ảo song song


 


► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital


Ví trữ lạnh Ledger Nano X
31 Tháng 01, 2022 16:59