XM - Đối tác Xuất sắc

NFT là gì? - Giải thích một cách đơn giản với không thuật ngữ phức tạp

14 Tháng 08, 2021 17:26

Nếu bitcoin là một nơi lưu trữ giá trị không biên giới, ethereum xưng bá là siêu máy tính của nhân loại, DeFi xuất hiện với mục tiêu lan truyền quyền sử dụng dịch vụ tài chính một cách tự do đi mọi nơi thì NFT ra đời với nhiệm vụ xác minh chứng thực và khẳng định quyền sở hữu của người dùng trên internet.

NFT là gì? - Giải thích một cách đơn giản với không thuật ngữ phức tạp

Chúng ta đang sống giữa sự giao thoa giữa thế giới thực và ảo, còn có nhiều tên gọi khác là thế giới mạng, thế giới kỹ thuật số. Nơi đó bản chất không phải là ảo, mà nơi đó ám chỉ một không gian vô tận không bị những rào cản về địa lý và thời gian, và con người tương tác qua lại với nhau trên không gian đó nhờ internet và các thiết bị điện tử có kết nối mạng như điện thoại, tivi, laptop…

Thế giới mạng trở nên phổ biến và được nhiều người biết đến là nhờ sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tập đoàn công nghệ lớn, nơi sáng tạo ra các không gian mạng xã hội để kết nối tất cả mọi người trên thế giới lại với . 

Tại sao mình gọi chúng ta đang ở điểm giao thoa, vì trước đó con người chỉ sống ở thế giới vật lý, mọi thứ đều được sờ, chạm, hửi và cảm nhận qua 5 giác quan, từ đồ ăn, thức uống, quần áo, xe cộ đến tiền bạc và các loại tài sản.

Điểm mấu chốt ở đây là tiền và các loại tài sản, các loại tiền bạc và tài sản vật lý như vàng, bất động sản, đá quý đã quá quen thuộc với con người từ hàng nghìn năm trước cho đến tận hôm nay, và nay con người không chỉ sống trong thế giới vật lý nữa, mà hiện tại phần lớn thời gian của họ dành để sống trong thế giới thứ 2, đó là thế giới kỹ thuật số. 

 

Một thế giới trừu tượng 

 

Với sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhận thức cũng như nhu cầu trao đổi nhanh chóng qua không gian mạng, thì con người bắt đầu cảm thấy hơi bất tiện với những tài sản vật lý như tiền, vàng, và các vật chất hữu hình. 

Năm 2009 tài sản kỹ thuật số đầu tiên được tạo ra có tên là bitcoin, nơi mọi người có thể dùng nó để lưu trữ giá trị, trao đổi một cách tự do, ngang hàng trên không gian mạng, nó là loại tài sản vô hình đầu tiên có giá trị vốn hoá lớn nhất cho đến hiện tại, một loại tài sản không thể cầm được, và tồn tại trên internet có tổng vốn hoá thị trường đạt 846 tỷ đô la tại thời điểm viết bài. Đó là một cuộc đại cách mạng mới mở ra vô vàng điều thú vị cho tương lai của các thế hệ tài sản kỹ thuật số tiếp nối.

Qua một đoạn giới thiệu ngắn ở trên có lẽ các bạn đã hình dung được bức tranh giao thoa giữa 2 thế giới, một hữu hình, một vô hình. Cũng như sự chuyển giao và hình thành những loại tài sản mới trên không gian mạng. Và chia chúng thành hai loại, thay thế được và không thay thế được.

Thay thế được là những vật có thể giao đổi qua lại lẫn nhau một cách công bằng, và đặt tính của nó cũng không có gì khác nhau. Ví dụ như tiền và vàng, bạn mượn một cây vàng và sau đó trả lại chủ nhân của nó 2 lần, mỗi lần 5 chỉ vàng, thế thì cũng không vấn đề gì vì 10 chỉ vàng bằng với 1 cây vàng. Trong thế mạng thì ta có ví dụ là bitcoin, bạn có thể lấy 1 btc của bạn đổi lấy 1 btc của người khác, vì chúng có giá trị như nhau và không khác nhau. 

Không thay thế được là những thứ mà chúng có đặc tính riêng biệt mà khó hay không thể trao đổi một cách ngang hàng, ví dụ bạn mượn một bức tranh của người khác thì bạn không thể nào cắt nhỏ bức tranh ra trả từng phần như cái cách mà bạn trả tiền được, hoặc cũng không thể mua bức tranh khác khác thế vào mà phải trả đúng bức tranh mà bạn mượn. 

Ở ngoài đời thì bạn có thể dễ dàng xác định được đâu là thật, đâu là giả thông qua các thao tác kiểm tra vật lý như đụng, chạm, soi, so sánh và dùng các giấy chứng nhận được các tổ chức cung cấp để biết đó có phải là hàng thật hay là không. Bạn đi mua BĐS thì để biết biết chính xác sổ đỏ đó đúng hay sai thì bạn có thể nhờ cơ quan nhà nước thẩm định. Mặc dù trên thực tế vẫn xuất hiện tiền giả, vàng giả nhưng nó không phải là một trường hợp phổ biến và rất dễ bị phát hiện. 

 

 

Nếu trong thế giới thực bạn có thể làm giả vàng được thì bitcoin với tên gọi là vàng kỹ thuật số thì chưa ai có thể làm giả bitcoin được, việc xác minh bitcoin có thật hay không rất đơn giả, chỉ cần người khác gửi được bitcoin vài địa chỉ ví của bạn thành công thì đó là bitcoin chứ không phải là thứ gì khác, nhưng ngoài bitcoin ra, thì trên không gian mạng còn hàng nghìn thứ khác, cần phải xác thực và chứng minh quyền sở hữu một cách chính xác như tranh ảnh, âm nhạc, sở hữu trí tuệ, tên miền, vật phẩm trong game và tất cả những thứ gì bạn muốn chứng minh quyền sở hữu. Việc đó rất khó vì với đặc tính dễ dàng sao chép và lan truyền với tốc độ nhanh trên phạm vi toàn cầu, thì giữa hàng nghìn bản sao, cái nào được xác định là thật và điều gì chứng minh được bạn là chủ của nó là vô cùng khó. 

Nếu bitcoin là một nơi lưu trữ giá trị không biên giới, ethereum xưng bá là siêu máy tính của nhân loại, DeFi xuất hiện với mục tiêu lan truyền quyền sử dụng dịch vụ tài chính một cách tự do đi mọi nơi thì NFT ra đời với nhiệm vụ xác minh chứng thực và khẳng định quyền sở hữu của người dùng trên internet.

 

NFT là gì?

 

Nguyên nhân cho việc phải đi lòng vòng xa xôi qua các thời kỳ rồi lại quay về hiện tại với các vấn đề về quyền sở hữu trên internet là để các bạn có khái niệm cơ bản về việc chúng ta đang đứng trước một cuộc giao thoa mạnh mẽ giữa thế giới hữu hình và vô hình. NFT sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho việc định danh và quyền sở hữu với các tài sản, vật phẩm, hàng hoá dưới dạng kỹ thuật số, nơi mà quyền sở hữu rất khó xác định so với thế giới vật lý. 

Bạn dùng một máy ảnh phim để chụp ảnh và đăng lên mạng thì người khác có sao chép ảnh của bạn đến mấy thì bạn vẫn có thể chứng minh quyền sở hữu bằng cách bạn là người giữa cuộn phim đó, còn với máy ảnh kỹ thuật số, khi đăng lên mạng người khác rất dễ sao chép hình của bạn ra nhiều bản và bạn rất khó để chứng minh bạn đang giữa bản gốc của bức ảnh đó. 

Mọi người từ lâu đã gắn giá trị cảm xúc và thẩm mỹ với hàng hóa vật chất, như đồ mỹ nghệ, vật phẩm từ những người nổi tiếng và sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho chúng. Nhưng với sản phẩm kỹ thuật số thì không có giá trị tương tự vì chúng dễ dàng bị sao chép, chia sẻ và đánh cắp.

Ví dụ bạn là một fan cứng của Ronaldo, anh ấy đang có ý định bán một chiếc áo đấu trong trận đá cuối cùng ở Real Madrid kèm với chữ ký của anh trên ngực áo. Hẳn là có rất nhiều người tranh giành nhau đấu giá để sở hữu được chiếc áo đó với đầy sự tự hào và vinh dự, chiếc áo là một vật hữu hình nên rất dễ để tôn lên quyền sở hữu của chủ nhân nó, không ai có được cái thứ hai ngoài bạn, và ai cũng biết là bạn mua được nó, nhưng với trường hợp thứ hai, cũng với chiếc áo đó, nhưng Ronaldo quyết định bán nó dưới dạng một file ảnh kỹ thuật số, thì liệu có ai muốn mua? Vì khi Ronaldo gửi cho bạn file ảnh chiếc áo đó và khi bạn đăng lên mạng thì ai cũng có thể copy và ăn cắp đó một cách dễ dàng, và file ảnh của bạn so với hàng nghìn file ảnh khác được sao chép ra không có một sự khác biệt nào cả, và khi bạn muốn bán lại bức ảnh đó cho người khác thì bạn không có gì để chứng minh file ảnh của bạn là file gốc và được chính Ronaldo tạo nên ban đầu. 

 

 

Nhưng với NFT, Ronaldo có thể token hóa chiếc áo đó và đưa vào blockchain với xác thực chính xác là Ronaldo tạo nên nó cùng với chữ ký của anh ấy, hình thành ra được một bản chính thức, độc nhất của chiếc áo kỹ thuật số đó, và được lưu trữ mãi mãi ở blockchain, khi bạn mua chiếc áo đó, thì Ronaldo sẽ chuyển quyền sở hữu chiếc áo từ anh ấy qua bạn và được xác minh một cách công khai trên blockchain, giờ đây mặc là có bao nhiêu bản sao đi nữa thì chủ sở hữu của bức ảnh chiếc áo vẫn là bạn, bạn sẽ đặt câu hỏi là khi bạn đăng bức ảnh đó lên mạng, thì ai cũng có quyền tải về và chiêm ngưỡng, bạn sở hữu hay tôi sở hữu có khác gì nhau chứ? Khác nhiều đấy bạn ạ, khi bạn mua chiếc áo đó từ Ronaldo, cái bạn yêu thích là câu chuyện đằng sau chiếc áo đấy, câu chuyện kể về lần cuối cùng mà anh ấy ra sân cho câu lạc bộ Real Madrid, câu chuyện về việc anh ấy tự tay ký tên lên chiếc áo và gửi đến bạn, khúc này hơi trừu tượng nè, thay vì Ronaldo gửi chiếc áo vật lý đến bạn thì anh ấy gửi một file ảnh được token hoá trong blockchain khẳng định anh ta là người tạo ra nó, và câu chuyện đó được truyền đến bạn, bạn là người sở hữu file ảnh được đích thân Ronaldo ký tặng, người khác có được bức hình nhưng họ không có được cái quyền sở hữu được đích thân Ronaldo trao cho, và việc bạn chứng minh bản thân là chủ nhân của bức ảnh đó vô cùng đơn giản qua địa chỉ ví của bạn trong blockchain có ghi lại lịch sử từ ví Ronaldo chuyển đến ví của bạn, áo bằng vải thì có ngày sẽ mai một hư hao sờn vai hay mất trộm, còn chiếc áo kỹ thuật số của bạn sẽ nằm an toàn, xuyên thời gian trong blockchain dưới quyền sở hữu của bạn. 

Ông Dan Kelly, chủ tịch của nền tảng Non Fungible.com, cho biết việc sở hữu một NFT giống như việc sở hữu bức họa Mona Lisa gốc. Dù có rất nhiều bản sao của tác phẩm này trên thế giới, chỉ một người duy nhất sở hữu bản gốc

 

NFT + Nghệ thuật 

 

Việc bạn đến bảo tàng Louvre để chụp ảnh Mona Lisa hay cố gắng vẽ lại nó một cách chân thật nhất thì cũng vô giá trị vì nó chỉ là sao chép, đây là chúng ta nói về tranh vật lý, với xu hướng hiện nay thì các nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm kỹ thuật số là rất phổ biến, NFT sẽ giải quyết bài toán rất lớn cho các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, dù có bao nhiêu bản sao trôi nổi trên internet thì chỉ có một chủ nhân sở hữu phiên bản gốc của nó. Và đó là điều làm cho nó có giá trị. Và khi muốn bán lại thì hàng nghìn bản sao ngoài kia ai quan tâm chứ, đúng không nào, người ta chỉ quan tâm đến phiên bản độc nhất được chứng thực từ Ronaldo ký tặng, tất cả dữ liệu trao đổi mua bán được ghi lại hết vào blockchain nên rất dễ để bạn kiểm tra một cách minh bạch nhất. 

 

NFT + GameFi 

 

Gaming có lẽ là chỗ mà NFT tỏa sáng. Trước giờ, khi chơi game, cho dù bạn có nạp tiền vào game bao nhiêu hay cày cuốc như nào, nhân vật và vật phẩm trong game của bạn thực sự vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà phát hành, khi nhà phát hành dừng game đó thì toàn bộ nhân vật của bạn cũng sẽ biến mất theo mây khói. Với NFT bạn có thể thực sự sở hữu nhân vật trong game, hay các món đồ trong game mà mình chơi ngày cả khi game đó đã không còn hoạt động. Bạn cũng có thể dễ dàng giao dịch chúng ngang hàng tự do với những người chơi game khác mà không cần sự cho phép từ nhà phát hành. 

Các NFT được bán trong sàn Marketplace thường chỉ có tính một chiều, tức là nghệ sĩ sẽ tạo ra các sản phẩm và mở bán nó cho cộng đồng, Còn cộng đồng thì không dễ dàng bán tác phẩm NFT lại cho người khác vì đa số các tác phẩm NFT đều thiên về tính cảm nhận cá nhân và có một thị trường nhỏ những người tiêu thụ nó.

Tuy nhiên, khi NFT được kết hợp với Gaming, nó đã tạo nên làn sóng mới cho cộng đồng nhờ vào tính tương tác hai chiều của nó. Các Gamer có thể tạo ra các vật phẩm NFT như rồng, thẻ bài, nhà đất,... Sau đó buôn bán trên Marketplace để nâng cấp công cụ chiến đấu, từ đó kiếm được các phần thưởng (và kiếm được tiền) khi họ chiến thắng trong game.

 

NTF + DeFi

 

Các ứng dụng DeFi cho phép bạn thế chấp các tài sản crypto như BTC, ETH, USDT… để vay lại một số tiền nhất định trên tổng giá trị tài sản, thì nay nếu bạn sở hữu những NFT có giá trị thì nó cũng như một loại tài sản của bạn, khi cần tiền mặt bạn không cần phải bán đi NFT của mình mà có thể dùng chính vật phẩm đó để thế chấp trên các ứng dụng DeFi, hơi khó khăn ở chỗ là tính thanh khoản của NFT kém hơn rất nhiều so với các tài sản như BTC và ETH, ví dụ như khi bạn không trả lại tiền thì họ có quyền thanh lý NFT của bạn ra thị trường, nhưng thị trường có đủ người sẵn sàng chấp nhận mua lại NFT đó với mức giá mà bạn đề xuất không, trong khi đó việc bán BTC và ETH ra thị trường là rất dễ dàng. 

Vì các ứng dụng NFT và DeFi hiện nay vẫn chủ yếu được xây dựng trên mạng lưới ethereum nên cả hai cùng có thể chia sẻ cùng một cơ sở hạ tầng để dễ dàng kết nối với nhau. 

 

NFT + Tài sản thật

 

Nếu một ngày nào đó Vingroup bán nhà và xe không còn kèm theo giấy tờ nữa mà qua đó là mỗi căn nhà và mỗi chiếc xe được token hoá, và mỗi NFT là một đại diện cho một căn nhà qua nền tảng blockchain. Từ đó bạn có thể giao dịch, kiểm tra lịch sử, một cách nhanh chóng, qua các nền tảng trực tuyến. Nghe điều này còn rất xa vời đúng không, chính xác là vậy, vì các tài sản giá trị cao như nhà cửa xe cộ luôn đi kèm với các giấy tờ pháp lý của từng quốc gia, nhưng không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Nhưng đối với các sản phẩm đơn giản hơn và ít gặp phải các rào cản pháp lý như tranh ảnh, âm nhạc, quần áo, giày dép đều có thể chuyển đổi thành NFT một cách dễ dàng, ví dụ như Nike ra mắt 100 đôi giày phiên bản giới hạn và bán nó với vừa cả sản phẩm vật lý và cả phiên bản NFT của đôi giày. Thời gian trôi qua đôi làm hao mòn sắc đẹp của đôi giày và không còn sử dụng được nữa nhưng bạn vẫn còn sở hữu nó dưới dạng NFT mãi mãi, bạn có thể chứng minh bản thân mình là một trong 100 người trên toàn thế giới đã có đôi giày này. Và nếu muốn trong tương lai bạn có thể bán lại NFT của đôi giày đó cho người khác, vì bức ảnh NFT đã lưu lại thiết kế của đôi giày kèm lời khẳng định đây là phiên bản gốc từ Nike.

Trao đổi các vật phẩm độc lạ một cách ngang hàng mà không cần lòng tin, vì bạn có thể kiểm tra hàng thật một cách dễ dàng so với hàng nghìn bức ảnh sao chép giống như vậy, như bạn cầm tờ tiền thật rồi thì ai quan tâm tờ tiền giả đúng không, mặc dù tờ tiền giả có thể được làm trao chuốt hơn cả tờ tiền thật thì nó vẫn không có giá trị, điều mang lại giá trị cho tờ tiền thật là sự chấp nhận, khi bạn đem tờ tiền thật vào ngân hàng thì họ chấp nhận nó và loại bỏ mớ tiền giả kia, nên người sở hữu NFT gốc cũng vậy, họ được sự chấp nhận của người mua qua việc xác minh nguồn gốc ở blockchain, hàng nghìn bản sao chép không có được điều đó nên nó không có giá trị. 

 

Ai còn nhớ bức ảnh này không? Một thời làm chấn động thị trường nghệ thuật toàn cầu khi được mua với giá 69 triệu đô la. - Tác giả: Beeple

 

Vẻ đẹp của bức tranh không đơn giản chỉ nằm ở mặc mỹ thuật cảm quan khi nhìn vào nó, mà còn là vẻ đẹp của câu chuyện đằng sau nó, người đàn ông là tác giả của bức tranh này đã dành ra 5000 ngày làm việc liên tục để hoàn thành nó, một câu chuyện về một người đam mê hội hoạ nhưng với những nét vẽ thô kệch của mình anh ấy đã gần như đã thất bại với sự nghiệp nghệ thuật, không bỏ cuộc từ đó với sự cam kết là luyện tập mỗi ngày trong 13 năm để có thể vẽ tốt hơn, đó là vẻ đẹp của sự kiên trì, lòng quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng, và câu chuyện của anh ấy đã chạm tới rung cảm của người mua bức tranh này. Bạn có thể tải bức hình này về, chụp màn hình nó, và cười thầm rằng cha nào mua bức tranh này ngu thật, bỏ ra 69 triệu đô la để mua thứ mà ai cũng có thể tải về xài được, nhưng thứ anh ta có mà bạn không có là anh ta được chính tác giả của bức ảnh này trao quyền sở hữu tác phẩm gốc từ ví tác giả sang ví anh ta và mọi thứ được lưu lại minh bạch trên blockchain, nếu bạn nhận được chữ ký mà không phải đích thân Ronaldo ký tặng thì nó ý nghĩa gì đúng không? 

Giống như bạn copy tấm hình mấy con pet trong game Axie Infinity có đầy trên mạng những bạn không thể dùng chúng để tham gia vào game vì bạn không chứng minh được quyền sở hữu. 

 

Kết luận 

 

Do những tác phẩm NFT cũng giống như những vật phẩm sưu tầm và được một cộng đồng nhỏ những người công nhận và định giá nên giá của mỗi tác phẩm rất cảm tính, có thể là chiếc áo với chữ ký của Ronaldo là cực kỳ ý nghĩa với bạn, và bạn có thể mua nó với bất cứ giá nào bạn có thể, nhưng đối với người khác đó là một sự lãng phí và nhảm nhí, do đó tính thanh khoản của thị trường này cũng cực kỳ thấp, nếu muốn bán lại các NFT của bạn thì người mua cũng phải cảm được câu chuyện mà NFT của bạn muốn kể. 

Kết nối với mạch truyện đầu bài, đây là nơi giao thoa mạnh mẽ giữa thế giới hữu hình và vô hình, biết đâu sau này bạn không cần lặn lội đi đến những quốc gia Châu Âu để tham quan các bảo tàng nghệ thuật nữa, mà chúng ta sẽ có những bảo tàng trên không gian mạng, và nơi đó sẽ trưng bày những tác phẩm kỹ thuật số NFT và bạn phải mua vé để được tham dự và chiêm ngưỡng chúng, nơi những tác phẩm phải cần chứng minh chủ sở hữu qua các địa chỉ ví trên blockchain để được trưng bày mặc cho hàng nghìn bản sao trôi nổi trên khắp không gian mạng. 

Tại sao bạn phải lặn lội qua Pháp để ngắm bức tranh Mona Lisa mà không chạy ra chợ Bến Thành ở Sài Gòn để ngắm bức tranh nhái cho nhanh? 

 


► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital


Ví trữ lạnh Ledger Nano X
14 Tháng 08, 2021 17:26