Yên tâm giao dịch XM

7 lớp bảo mật của mạng lưới Bitcoin

23 Tháng 10, 2021 21:07

Điện chỉ là bề nổi của tảng băng chìm về việc bảo vệ mạng lưới, Bitcoin như một con bạch tuộc không đầu, vươn vòi vào từng khía cạnh của cuộc sống, nó đã len lỏi vào chính trị, thu hút nguồn tiền, cải tiến công nghệ, dùng thời gian và không gian làm hàng rào vững chắc, đó là những thế lực ngầm của tảng băng chìm giúp bảo mật mạng lưới của Bitcoin tồn tại vững chắc với thời gian.

7 lớp bảo mật của mạng lưới Bitcoin

Hơn 12 năm hoạt động liền mạch, 24/7 không ngừng nghỉ và chưa xảy ra một vụ tấn công nào vào hệ thống để nhằm đánh cắp tiền hay chi tiêu gấp đôi, Bitcoin cho ta thấy được nó là một mạng lưới an toàn, đáng tin cậy, để lưu thông hàng tỷ đô la qua nó trong suốt một thập kỷ qua, Proof of Work đã làm rất tốt vai trò là những người gác cổng, ngăn chặn hết những mối đe dọa từ sự tấn công đến từ bên ngoài vào bên trong hệ thống, ở mạng lưới Bitcoin, chúng ta sẽ bắt gặp ba chủ thể chính, những người chạy node, những thợ đào, và những người lưu trữ các ví. 

Sợ bị tấn công thì hàng thủ phải tốt, vậy có phải những thợ đào là những chủ thể đầu tiên khi mà một ai đó muốn tấn công mạng lưới nhắm vào? Tấn công về mặt chính trị, tấn công về thay đổi giao thức, tấn công về vật lý (nguồn năng lượng, máy đào…), tấn công 51% tổng sức mạnh tính toán của mạng lưới. 

Có phải khi muốn chống tại những cuộc tấn tấn trên, thì thợ đào phải có những trụ cột chính bảo vệ mạng lưới Bitcoin trường tồn với thời gian, vậy thì ngoài nguồn năng lượng điện, sức mạnh tính toán, sự phi tập trung thì còn điều gì bảo vệ mạng lưới? qua bài viết này, chúng ta sẽ khám phá 7 lớp bảo mật của Bitcoin. 

 

Lớp năng lượng

 

Năng lượng không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác hoặc truyền từ vật này sang vật khác mà thôi. 

Cắm điện vào nồi cơm, nó sẽ ra nhiệt năng làm chín hạt gạo nuôi sống bao gia đình Việt, cắm điện vào chiếc xe Tesla nó chuyển hóa thành cơ năng đưa chúng ta đi đến nơi chúng ta muốn, cắm điện vào máy đào Bitcoin chúng sẽ sinh ra thêm Bitcoin và Bitcoin bán ra được tiền, và tiền cũng là một dạng năng lượng, tiền là một dạng năng lượng sức mua phổ biến. Nhưng việc bạn được thưởng BTC chỉ khi bạn giải được bài toán mà mạng lưới đưa ra, việc đó nhằm bảo vệ mạng lưới Bitcoin vững chắc, chống lại những gian lận trong quá trình chi tiêu của người dùng và duy trì mạng lưới luôn hoạt động tốt. 

Bitcoin đang là một khách hàng lớn của ngành năng lượng, là khách hàng tốt nhất cho những nguồn năng lượng xa xôi hẻo lánh.

Với luật chơi được mạng lưới Bitcoin đặt ra, ai có nhiều hashrate hơn thì người đó sẽ có cơ hội cao hơn nhận được phần thưởng, và điện là nhiên liệu chính tạo ra hashrate, các thợ đào giống như những sinh vật bầy đàn, sẽ đi lùng sục mọi nơi trên thế giới để có thể tìm ra nguồn năng lượng giá rẻ để tối ưu hoá lợi nhuận cho bản thân mình, họ đào Bitcoin không phải vì muốn giải cứu thế giới, cứu cá heo và khỉ đột... mà động cơ thúc đẩy chính đến từ việc thu được lợi nhuận qua phần thưởng mỗi khối mới, thời điểm hiện tại cứ mỗi 10 phút thì họ lại được nhận 6.25 BTC và phí giao dịch từ người sử dụng mạng lưới. (cứ sau mỗi 4 năm phần thưởng này sẽ giảm còn một nửa) 

Có nhiều nguồn năng lượng dư thừa trên trái đất mà bạn không sử dụng đến nó cũng mất đi, vấn đề của điện là chúng tốn rất nhiều chi phí để vận chuyển và lưu trữ, nếu không bán nó cho Bitcoin thì cũng khó có ai sử dụng nguồn điện đó, các thợ đào có thể xây dựng xưởng đào gần một cái thác nước, xây xưởng ở một khu vực lạnh giá cách xa trung tâm thành phố nơi mà chẳng ai lưu luyến gì để sinh sống, hay ở gần một ngọn núi lửa nào đó để có thể dùng nhiệt năng của nó chuyển thành điện. Bitcoin là khách hàng lớn nhất của những nguồn năng lượng đó. Bạn có thể đặt câu hỏi là tại sao những nguồn năng lượng đó không được những công ty như Google, Facebook... sử dụng? Họ là những cơ sở dữ liệu tập trung khổng lồ, với cơ sở hạ tầng và yêu cầu băng thông tốc độ cao, họ không thể nào chia nhỏ ra để len lỏi vào từng ngóc ngách bề mặt địa lý trái đất mà linh hoạt hút lấy nguồn năng lượng kia. Những công ty công nghệ lớn không thể cứ bật tắt máy chủ liên tục vì họ cần duy trì sự ổn định 24/7 cho mạng lưới khách hàng của họ, Bitcoin có sự linh hoạt cao hơn, khi thác nước cạn khô, núi lửa hết phun trào thì họ có thể tắt máy đào và dời đi chỗ khác “dễ hơn” vì họ tắt thì sẽ có những người khác trên thế giới vẫn đang tiếp tục đào, tạo thành một mạng lưới phi tập trung toàn cầu. 

Và không có gì giống như vậy trước đó để có thể hút lấy nguồn năng lượng rẻ, dư thừa, và khó dùng đến, Bitcoin biến những nguồn năng lượng đó thành lớp bảo mật đầu tiên. Và chuyển hóa nó thành tiền. 

 

Lớp công nghệ

 

Satoshi Nakamoto bắt đầu đào những Bitcoin đầu tiên với chiếc máy tính cá nhân của mình. Và một thập kỷ sau đó, người ta đã đào Bitcoin với những công xưởng rộng hàng trăm hecta, là nơi chứa hàng chục nghìn những cỗ máy ASIC mạnh mẽ. 

PoW đã kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang, những người khai thác Bitcoin đầu tiên đã sử dụng CPU của máy tính của họ để giải quyết các vấn đề về mật mã. Chẳng bao lâu, các thợ đào phát hiện ra rằng các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) hiệu quả hơn CPU. Giờ đây, các thợ đào Bitcoin sử dụng phần cứng chuyên dụng được gọi là máy khai thác ASIC để bảo vệ mạng lưới. 

 

Dòng thời gian về những ngày đầu khai thác Bitcoin.


 

Không ai muốn bỏ lại phía sau cả, giống như hàng năm các quốc gia trên thế giới đều nâng cấp vũ khí của họ ngày càng mạnh hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn, những quốc gia mạnh rồi sẽ cạnh tranh nhau về tàu sân bay, vũ khí hạt nhân… nhằm để răn đe những kẻ khác và bảo vệ quốc gia của mình.

 

 

Các thợ đào phải chạy đua vũ trang liên tục nhằm để có thể chiếm được nhiều hashrate nhất có thể, và những những chiếc máy đời mới sẽ giúp họ có được điều đó, có được hashrate cao thì khả năng đào được BTC cao hơn và càng làm vững chắc thêm mạng lưới, vì muốn tấn công 51% bạn phải sở hữu được hơn 51% sức mạnh tính toán toàn mạng lưới. 

Tưởng tượng 10 năm nữa, công nghệ sẽ phát triển như thế nào, chúng ta có thể thấy được điều đó qua chiếc iPhone sau mỗi năm ra mắt, nó sẽ mạnh hơn, tiết kiệm pin hơn, hiệu quả hơn… Vi xử lý của iPhone ngày nay mạnh hơn rất nhiều so với chiếc máy tính cồng kềnh vài chục năm trước, cái nào sẽ ăn điện nhiều hơn, đương nhiên là chiếc máy tính vài chục năm về trước rồi.

Công nghệ cũng làm phân hoá sự tập trung của các đời máy đào toả ra nhiều khu vực địa lý khác nhau, các máy đào mới có thể hoạt động có lợi nhuận ở những khu vực địa lý có giá năng lượng cao hơn, và đẩy các máy đào đời cũ công suất thấp về những vùng địa lý có nguồn năng lượng rẻ hoặc miễn phí. Giống như Nhật Bản đã bỏ những toa tàu cũ và nâng cấp những toa tàu mới nhưng về Việt Nam những toa tàu cũ đó vẫn còn giá trị sử dụng rất lớn. 

Sự phát triển công nghệ thúc ép các công ty chế tạo ra những máy ASIC mạnh hơn, tiết kiệm điện hơn, và hiệu quả hơn, so một cùng một lượng điện sử dụng, chúng ta sẽ có nhiều hashrate hơn, từ đó theo thời gian mạng lưới Bitcoin sẽ được bảo vệ tốt hơn qua sự phát triển tối tân của công nghệ. 

 

Lớp chính trị

 

Sự kiện Trung Quốc đuổi hết các thợ đào ra khỏi quốc gia của họ và việc El Salvador hợp pháp hóa Bitcoin thành đồng tiền chính thức song song với đồng đô la. Cho chúng ta thấy được sự phân hoá chính trị diễn ra khắp thế giới, nơi này cấm thì có nơi khác chào đón.

 

El Salvador đào Bitcoin bằng năng lượng từ núi lửa

 

Nhiều năm về trước bạn có thể lén dùng chiếc laptop cá nhân để đào Bitcoin mà chẳng bị ai phát hiện vì tính cạnh tranh của các thợ đào chưa cao, hiện nay để đào Bitcoin có lợi nhuận bạn cần huy động rất nhiều nguồn lực, từ nhân lực, tài lực, và cần có một thế lực chống lưng cho bạn nữa, bạn không thể xây dựng một trang trại đào hàng trăm hecta với công suất lớn trong im lặng mà không ai biết cả, bạn phải cần có sự cho phép từ chính quyền.

Các thợ đào khi muốn đầu tư một xưởng đào quy mô lớn thì họ phải lựa chọn khu vực pháp lý ổn định để hoạt động lâu dài nhằm tối đa hoá lợi nhuận. 

Ngày nay Bitcoin đã đi sâu vào chính trị, các chính trị gia mua nó, ủng hộ nó, và đấu tranh cho nó, chưa tính ở cấp độ thế giới, chỉ ở trong nước Mỹ thôi chúng ta đã thấy được sự phân hoá này, các nghị sĩ luôn ủng hộ và đẩy nhanh những vấn đề pháp lý sớm hoàn thiện để thu hút ngành công nghiệp crypto vào tiểu bang của họ, từ đó họ có thể thu thế được nhiều hơn, tạo nhiều việc làm hơn, và có nhiều lợi thế hơn so với những bang khác, các thợ đào có thể vận động hành lang (lobby) từ đó gây áp lực lên các chính trị gia ra những chính sách tốt cho ngành công nghiệp này. 


 

New York dẫn đầu chỉ số năng lực khai thác Bitcoin tại Mỹ. Nguồn: Foundry


 

Vào tháng 5 năm 2021, New York từng cân nhắc cấm khai thác Bitcoin trong ba năm để đánh giá tác hại đến môi trường. Tuy nhiên, phần lớn quan chức bang này được cho là đã suy nghĩ lại. "Đào Bitcoin tại New York có cường độ phát thải carbon thấp nhất, vì ở đây chủ yếu dùng năng lượng tái tạo. Nếu bị cấm, những bang khác vốn dùng điện từ nhiên liệu hóa thạch có thể tăng năng lực khai thác, từ đó gây ô nhiễm nhiều hơn nếu xét về tổng thể".

Trong khi đó, bang Kentucky và Georgia rất ủng hộ việc khai thác Bitcoin. Thống đốc bang Kentucky đã thông qua luật cho phép miễn một số loại thuế nhất định đối với hoạt động khai thác tiền điện tử. Cả hai bang cũng là nơi có nhiều nguồn điện từ thủy điện và năng lượng gió.

Texas hiện xếp thứ 4 về chỉ số hashrate và là nơi có nhiều ưu đãi cho thợ đào nhất. Một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực khai thác Bitcoin đã lập chi nhánh hoặc cửa hàng bán "trâu cày", như Riot Blockchain, Bitdeer hay ASIC.

Sau khi cuộc di cư vĩ đại của các thợ đào rời khỏi Trung Quốc và đến Mỹ, điểm đến được coi là hấp dẫn nhất với giới thợ đào Bitcoin chính là bang Texas. Ông Greg Abbott thống đốc bang Texas là một trong những chính trị gia ủng hộ mạnh mẽ tiền điện tử. 

Tiềm năng của Texas còn thể hiện ở chỗ khu vực này có nhiều khí đốt tự nhiên chưa khai thác. Nếu tận dụng lợi thế thành công, Texas có thể cung cấp năng lượng cho 34% mạng lưới Bitcoin trên khắp nước Mỹ, biến nơi đây dẫn đầu về năng lực khai thác không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu trong tương lai.

Sự phân hoá về mặt chính trị diễn ra ngay bên trong lòng nước Mỹ, vì tuỳ thuộc vào lợi thế địa lý từng vùng của tiểu bang đó, vùng lãnh thổ hay quốc gia nào đó có thể kiếm tiền từ bất kỳ hương vị năng lượng nào mà vùng địa lý đó có lợi thế, thác nước, núi lửa, con sông, gió, lò hạt nhân, than đá… Tất cả đều có thể chuyển hoá thành nguồn năng lượng sức mua là tiền thông qua việc khai thác Bitcoin, và từ đó tăng tính bảo mật cho mạng lưới một cách phi tập trung hơn. Tạo nên một mạng lưới bảo mật chính trị trên phạm vi toàn cầu với nhiều quan điểm khác nhau.

Giá trị của Bitcoin là chống kiểm duyệt, Trung Quốc đã thất bại khi muốn tiêu diệt hàng rào phòng thủ của nó, những thợ đào Bitcoin như những sinh vật bầy đàn khao khát năng lượng, một khi những khu vực địa lý như Trung Quốc cấm không cho nó ăn nguồn năng lượng đó nữa thì nó sẽ di cư đến một vùng đất mới chào đón nó.

Mạng lưới Bitcoin như một con bạch tuộc không đầu, bạn sẽ không bao giờ chặt được cái đầu bất tử của nó vì bạn sẽ không tìm được cái đầu đó đang nằm ở đâu. Bạn chỉ có thể chặt đứt từng cái vòi vươn dài của nó nhưng khi một cái vòi bị chặt đứt thì một cái vòi mới nhanh chóng mọc ra thay thế.

Sẽ không sự đồng nhất trên thế giới về mặt chính trị về việc tất cả các quốc gia hợp sức cấm Bitcoin. Sự chia rẽ tôn giáo trên thế giới đã dạy cho chúng ta bài học này.

 

Lớp tài chính

 

Điện là một nguồn năng lượng mà ai cũng có thể hiểu được dễ dàng, thì lớp tài chính, mà cụ thể là tiền, là thứ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, thuê nhân công, quay cánh quạt máy đào, cung cấp nguồn vốn lớn với sự đầu tư dài hơi hơn để bảo mật cho mạng lưới. 

Người ta thường nói Bitcoin là tiền ảo, không có thật, chỉ có thể nhìn được nó trên màn hình điện thoại, bạn không thể nào cầm được nó được trên tay như tiền giấy, hay là cục vàng được. 

Nhưng để tạo ra thứ tài sản trên “không gian ảo” đó, chúng ta cần rất nhiều tiền, tài nguyên, công cụ, và sức người từ thế giới vật lý, vẻ đẹp của Bitcoin nằm ở chỗ nó giúp kết nối giữa hai thế giới lại với nhau, dùng những năng lượng từ thế giới vật lý như điện, tiền, công nghệ, để chạy và bảo vệ một mạng lưới trên “không gian ảo” với khả năng tương tác xuyên không gian và thời gian. 

Phi tập trung của mạng lưới Bitcoin không chỉ đơn giản ở việc đặt các máy đào rải rác ra toàn thế giới, mà phi tập trung ở đây được thể hiện qua nhiều tầng nấc, từ sự đối lập chính trị, khác biệt về công nghệ, ngăn cách bởi địa lý, và đa dạng nhiều nguồn tài nguyên khác nhau để sử dụng đào Bitcoin như than đá, nước, mặt trời, gió, lò hạt nhân, núi lửa, khí đốt…

Tuỳ vào mức độ phát triển của từng thị trường tài chính của mỗi quốc gia nên việc huy động vốn và thu hút dòng tiền chảy vào các công ty đào cũng khác nhau. 

Đào BTC ở các nước phát triển như phương Tây mà đặc biệt là Hoa Kỳ tạo nên các lợi thế lớn về việc thu hút được nguồn vốn lớn hơn, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có hệ thống tài chính tốt nhất thế giới.

Các công ty đào Bitcoin có thể thu hút được dòng vốn đầu tư từ các quỹ tài chính lớn giống như những công ty đào vàng đã từng và đang làm vậy. 

Ngày 22 tháng 7, Fidelity đã đầu tư 20 triệu đô la để mua 7.4% cổ phần của công ty Marathon Digital Holdings (Nasdaq: MARA).

Ngoài Fidelity, một số tổ chức tài chính lớn khác đã mua cổ phần của Marathon. Tính đến ngày hôm nay, Blackrock nắm giữ 1,59% cổ phần của Marathon, Susquehanna có 2,7% cổ phần trong công ty khai thác và Vanguard Group nắm giữ khoảng 7,58% cổ phần MARA.

Các nhà đầu tư truyền thống đã đầu tư vào các công ty đào Bitcoin, cho thấy lòng tin dài hạn của họ vào thị trường này, Bitcoin không những đi sâu vào chính trị, mà nó còn đi sâu vào thị trường chứng khoán.

Có thể vì nhiều lý do khác nhau mà các tổ chức đầu tư lớn không thể mua được Bitcoin nhưng dòng vốn đó có thể mua những cổ phiếu dựa trên Bitcoin, điển hình là những cổ phiếu từ những công ty đào có trụ sở tại Mỹ. 

The Telegraph cho biết, công ty Bitfury, được thành lập vào năm 2011 bởi Giám đốc điều hành Valery Vavilov, có trụ sở tại Amsterdam có kế hoạch phát hành công khai và được định giá khoảng 1 tỷ USD, các nhà đầu tư của nó bao gồm Galaxy Digital.

Đây là dòng vốn liên tục đẩy vào các công ty khai thác Bitcoin, từ đó tạo nên chất keo kết dính chặt chẽ giữa thị trường truyền thống và mạng lưới các công ty khai thác Bitcoin, tạo nên thêm một lớp bảo mật khác nữa về mặt tài chính vững chắc cho mạng lưới Proof of Work của Bitcoin. 

 

Lớp mạng lưới

 

Hầu như những xưởng đào có quy mô lớn nào cũng đã trở thành những công ty đại chúng hoặc tư nhân. Giống như những công ty khác, họ không muốn phá sản, họ là những người nhạy cảm nhất và đầu tư rất nhiều tiền để luôn cải thiện công nghệ nhằm tối đa hoá hiệu suất nhằm tăng lợi nhuận. Từ đó tăng an ninh cho mạng lưới.

Họ là những người “skin in the game” là những người đầu tiên tham gia và cũng là người cuối cùng rời bỏ mạng lưới, vì sao? vì để đầu tư một xưởng đào quy mô tầm cỡ, nó không chỉ đơn giản là tìm được nguồn điện giá rẻ, mà cả một chuỗi quy trình phức tạp từ thuê luật sư, nhân lực, các chuyên gia năng lượng, vận động hành lang, tiếp thị cho việc sử dụng năng lượng để đào Bitcoin là tốt, và phải huy động được một nguồn vốn lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, nó khác nhiều so với 10 năm về trước ở việc bạn chỉ cần dùng chiếc laptop cá nhân vào lúc rảnh để bảo vệ mạng lưới, khai thác Bitcoin bây giờ là cuộc chơi lớn đòi hỏi sự cam kết dài hạn để bù lại những khoản vốn đầu tư ban đầu.

Theo thông báo được ghi nhận vào ngày 2 tháng 8, công ty khai thác Bitcoin, Marathon Digital có trụ sở tại Hoa Kỳ đã hoàn tất thỏa thuận mua 30.000 máy Antminer S19j Pro với chi phí được báo cáo là 120,7 triệu USD.

Thợ đào đã sạch bóng ở Trung Quốc sau lệnh cấm mùa hè năm 2021, nguồn vốn và hashrate đang được đổ dồn về Mỹ, hiện đang là nơi chiếm tốc độ đào cao nhất thế giới. 

Nhiều công ty Bitcoin của Trung Quốc đã quyết định đầu tư cơ sở vật chất ở Texas để tìm kiếm sự ổn định và cơ hội. Công ty BIT Mining có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết, họ có kế hoạch đầu tư 26 triệu USD để xây dựng một trung tâm dữ liệu ở bang này, trong khi Bitmain, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh đang mở rộng cơ sở ở Rockdale.

Tuy Bitcoin là một mạng lưới phi tập trung toàn cầu, nhưng những công ty khai thác Bitcoin cũng giống nhưng phần lớn các công ty truyền thống khác, đều phải tuân thủ các quy định pháp lý của từng quốc gia nơi họ hoạt động. Như về sự khác nhau của việc tuân thủ lượng khí thải nhà kính, ưu đãi về giá điện và thuế... Điều này thật sự thú vị, mạng lưới đào Bitcoin như những vòi bạch tuộc vươn ra mọi ngóc ngách thế giới để hút lấy nguồn năng lượng điện, nhưng khi vòi nó vươn đến đâu thì nó có tính thích nghi mượt mà với cơ chế pháp lý vùng đó, các công ty đào sẽ mang tính địa phương của từng quốc gia nó hoạt động, giúp mạng lưới Bitcoin một lần nữa đa dạng hoá về sự tập trung cũng như bảo mật. 

BTC không thể cầm được nhưng lại được bảo vệ bởi những động lực vật lý có thể nhìn thấy được

 

Lớp không gian

 

PoW buộc bạn phải trải rộng ra khắp thế giới để đi tìm những nguồn năng lượng thừa, rẻ, ít sử dụng đến. 

Thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin sẽ loại bỏ những máy đào kém hiệu quả cùng nguồn điện chi phí cao, bạn đừng lo các thợ đào sẽ lấy hết điện trong thành phố của bạn và bạn sẽ không còn đủ điện để chơi game trên chiếc máy tính của mình, các thợ đào sẽ không thể nào trả nổi chi phí khi dùng nguồn điện sinh hoạt mà bạn đang xài. Họ sẽ toả ra lùng sục những khu vực địa lý phù hợp về khí hậu, giá điện và sự ủng hộ của chính sách để hoạt động.

Và khi muốn tấn công mạng lưới bạn sẽ không tìm ra được đầu não của nó, Trung Quốc đã tấn công vào hơn 60% hashrate của mạng lưới Bitcoin nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, lượng hashrate đó lại chuyển đi đến một nơi khác an toàn hơn. 

Sự linh hoạt của mạng lưới khai thác Bitcoin giúp nó miễn nhiễm với tấn công mạng lưới, miễn nhiễm với các cuộc tấn công chính trị, miễn nhiễm với các cuộc tấn công giao thức, miễn nhiễm với các cuộc tấn công vật lý (máy móc, thiếu điện, mưa bão lũ lụt…) 

Sự phi tập trung của mạng lưới khai thác Bitcoin đến từ sự thúc đẩy của lợi nhuận chứ không đến từ sự thống trị hay ép buộc từ ai đó

 

Lớp thời gian 

 

Thời gian là lớp bảo mật sau cùng chống lại sự tấn công 51%. Dựa trên câu chuyện của công ty Marathon Digital Holdings công bố vào tháng 8 năm 2021 đã đầu tư hơn 120 triệu đô la để mua 30.000 máy đào từ công ty Bitman, và Bitmain dự kiến ​​sẽ hoàn thành việc giao các máy đào vào tháng 6 năm 2022. (mất gần 1 năm để sản xuất và giao hàng)

30.000 máy đào không phải là một con số đáng lo ngại để có thể tấn công mạng lưới, có thể nói là quá ít, khi bạn cần xây dựng một xưởng đào đẳng cấp thế giới để thống trị 51% hashrate thì không chỉ đơn giản là chỉ mua máy đào, bạn phải xin giấy phép chính quyền, tuyển nhân lực, huy động nguồn vốn đầu tư… 

Bạn không thể làm tất cả đều này hoàn toàn trong bí mật mà không ai biết. Bạn sẽ mất ít nhất từ 12-24 tháng để hoàn thành công việc trên, ngần đó thời gian liệu mạng lưới Bitcoin không nhận ra sự tập trung đáng lo ngại này?

 

 

Bạn sẽ nói có đến hơn 60% hashrate cũng đã từng tập trung ở Trung Quốc, đó cũng là một sự nguy hiểm, nhưng bạn phải biết đó để có được hơn 60% đó là sự cộng lại của hàng nghìn xưởng đào lớn nhỏ khác nhau rải rác nhiều tỉnh ở Trung Quốc, làm sao bạn có thể thiết lập một kế hoạch tuyệt vời để tập hợp hàng nghìn những xưởng đào khác nhau hợp sức lại tấn công mạng lưới? 

Đây là lớp bảo mật cuối cùng, nó cho chúng ta có đủ thời gian để quan sát, nhìn nhận xem sự tập trung hashrate diễn ra như thế nào ở một khu vực địa lý cụ thể. 

 

Kết luận

 

Vấn đề lớn nhất của PoW là lo sợ người hàng xóm kế bên của nó, nói một cách dễ hiểu là thợ đào ra sức đầu tư tiền của, máy móc nhằm mục đích thu lại lợi nhuận, mạng lưới Bitcoin khuyến khích họ làm đúng sẽ được phần thưởng cao hơn những gì họ làm sai, nếu họ tấn công mạng lưới thì khác nào họ tự bắn vào chân mình, vì giá trị của Bitcoin được tạo ra bởi tính phi tập trung và sự bảo mật cao, nếu mất đi những yếu tố đó, mạng lưới sẽ mất giá trị và giá của BTC sẽ giảm xuống, từ đó kéo theo những công ty đào sẽ không còn lợi nhuận. 

Lấy ví dụ chúng ta có hai mạng lưới PoW có giá trị vốn hoá tương đương nhau, và dùng chung một thuật toán giống nhau để đào thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Giả sử trên thị trường chúng ta có BTC và BCH đều cùng giống nhau về vốn hoá là 1 nghìn tỷ đô la và có thể dùng chung một loại máy đào để khai thác, khi điều đó xảy ra thì thợ đào có thể chọn hợp sức để tấn công một mạng lưới và khi tấn công họ có thể dùng những máy đào đó nhảy qua mạng lưới còn lại mà không làm mất đi giá trị quá nhiều.

PoW có xu hướng tối đa hoá người chiến thắng lớn nhất, vì khi đó nguồn lực sẽ tập trung bảo vệ mạng lưới lớn nhất vì nếu mạng lưới đó bị tấn công thì đồng nghĩa thợ đào cũng mất đi chén cơm của mình. 

Không phải mạng lưới PoW nào cũng an toàn, đã có một vài mạng lưới PoW bị tấn công 51% nhiều lần, đặc biệt là Ethereum Classic. 

Bitcoin đã trở thành một mạng lưới bằng chứng công việc thành công nhất cùng sự bảo vệ của 7 lớp bảo mật. Đó là sức mạnh ngầm của tảng băng chìm mà ít người nhìn ra được. 

Bitcoin có sự kết nối giữa hai thế giới, thế giới vật lý chúng ta đang sống và thế giới internet. Những thợ đào là những cây cầu kết nối giữa hai thế giới đó. Và sự phi tập trung của Bitcoin nằm rất sâu trong nhiều tầng nấc khác nhau của cuộc sống, sự khác nhau về nguồn năng lượng, chính trị, tài chính, công nghệ, không gian và thời gian sẽ làm mạng lưới trường tồn với thời gian. 
 

Tài liệu tham khảo: https://www.youtube.com/watch?v=RbkLz9C...

 


► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital


Ví trữ lạnh Ledger Nano X
23 Tháng 10, 2021 21:07