FED Chuẩn Bị Công Bố Lãi Suất | Citi Token? | SEC Lại Thất Bại | NSA Tạo Ra Bitcoin?
FED sẽ công bố lãi suất sau cuộc họp vào thứ 4 tuần này. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ khá im lặng nhưng BTC tăng nhẹ. Còn SEC tiếp tục thất bại trong vụ kiện với Binance US.

Tình hình thị trường
Chứng khoán Hoa Kỳ thứ ba (18/9) với chỉ số hợp đồng tương lai của chứng khoán nghiêng về xu hướng giảm. Giá vàng tăng nhẹ lên 1954 USD/ounce. Dầu tăng lên 92 USD/thùng.
Bitcoin tăng lên quanh 27,200 USD. Hầu hết altcoin cũng hồi nhẹ. Vốn hóa thị trường crypto tăng lên 1.118 nghìn tỷ USD.
Thứ 4 tuần này, FED sẽ thông báo lãi suất sau cuộc họp tháng 9. Hợp đồng tương lai FED hầu hết cho rằng FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 9. Và tháng 11, đa số nhà đầu tư nghiêng về FED sẽ tăng lãi suất thêm một lần và ngưng tăng vào tháng 12.
Còn nước Anh, dù lãi suất đã giảm từ mức đỉnh 9.6% về quanh 6.4% nhưng đây vẫn là mức cao. Có khả năng Anh sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất và được dự đoán mức tăng thêm 0.25% lên 5.5%, theo Financial Times. Ngân hàng trung ương của các quốc gia đều đang thử nghiệm đẩy lùi lạm phát bằng cách tăng lãi suất, nhưng sự phản ứng của thị trường mỗi nơi không giống nhau. Tuy nhiên, tăng lãi suất cũng đi cùng với nó là những tác dụng phụ như các ngân hàng bị ảnh hưởng,...
Sức mạnh của đồng bảng Anh so với đồng USD liên tục giảm kể từ 2017. Gần đây, tốc độ giảm đã giảm bởi ngân hàng trung ương Anh tiếp tục tăng lãi suất. Nếu FED giữ nguyên lãi suất sẽ giúp cho sức mạnh đồng bảng Anh tăng và DXY điều chỉnh xuống.
Bitcoin vượt Visa về khối lượng giao dịch
Dữ liệu cho thấy, Bitcoin vượt qua Visa vẫn là một sự kiện đáng chú ý, cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng tăng của mạng lưới phi tập trung. Khối lượng giao dịch hàng năm của Bitcoin đã vượt xa Visa. Đây là một cột mốc quan trọng, đặc biệt khi Bitcoin hoạt động trên một mạng lưới phi tập trung và chưa đạt được mức sử dụng toàn cầu trên quy mô Visa.
Mặc dù đây là một cột mốc quan trọng, nhưng cần lưu ý rằng một phần lớn giao dịch trên mạng Bitcoin trong năm nay đến từ Ordinals, một giao thức cho phép thêm dữ liệu vào từng satoshi. Nhưng nhìn chung, khối lượng giao dịch của BTC vẫn là xu hướng tăng qua từng năm. Mạng lưới BTC ngày càng phổ biến và được sử dụng rộng rãi với nhiều mục đích khác nhau.
Biểu đồ cũng cho thấy, khối lượng giao dịch hiện nay phần lớn vẫn nằm trên Fedwire. Đây cũng là lý do mà FED cần có ứng dụng FED Now để có thể cung cấp tính năng tốt hơn và cạnh tranh với các công nghệ blockchain hiện nay.
Số lượng địa chỉ ví BTC tiếp tục tăng dù thị trường chưa có sự sôi động hay tăng trưởng mạnh. Số lượng ví có từ 0.01 BTC đã đạt đỉnh mới với hơn 12,400 nghìn địa chỉ. Nhu cầu lưu trữ BTC đang trong xu hướng tăng.
Theo Glassnode, những người đầu tư dài hạn (nắm giữ trên 155 ngày) đang nắm giữ hơn 70% BTC hiện tại. Và số lượng holder vẫn tiếp tục tăng. Những người tin tưởng vào tương lai dài hạn của BTC và ở lại với thị trường chỉ là một phần nhỏ so với những mùa tăng trưởng.
Số lượng BTC có lời quanh mức giá hiện tại của BTC là 65%.
Citigroup ra mắt Citi Token
Citigroup đã công bố Dịch vụ Citi Token, một giải pháp tài sản kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh để cung cấp các dịch vụ quản lý tiền mặt và tài trợ thương mại cho khách hàng tổ chức.
Dịch vụ này có hai ứng dụng chính:
-
Giao dịch: Dịch vụ Citi Token có thể được sử dụng để số hóa các giải pháp phục vụ cùng mục đích như bảo lãnh ngân hàng và thư tín dụng trong hệ sinh thái tài chính thương mại. Điều này có thể giúp giảm thời gian xử lý giao dịch từ vài ngày xuống còn vài phút.
-
Quản lý tiền mặt: Dịch vụ Citi Token có thể được sử dụng để chuyển thanh khoản giữa các chi nhánh Citi 24/7. Điều này có thể giúp các công ty quản lý thanh khoản toàn cầu một cách hiệu quả hơn.
Citi đã hợp tác với Maersk để thử nghiệm thành công Dịch vụ Citi Token cho cả hai ứng dụng.
Citi tiếp tục phát triển các giải pháp tài sản kỹ thuật số phù hợp với mục tiêu và khẩu vị rủi ro của mình. Những giải pháp này nâng cao các sản phẩm và dịch vụ của Citi bao gồm tiền kỹ thuật số, giao dịch thương mại, chứng khoán, lưu ký, dịch vụ tài sản và khả năng di chuyển tài sản thế chấp.
Luật về crypto vẫn đang bỏ ngỏ
Tại hội nghị Permissionless II ở Austin, Texas vào ngày 11 tháng 9, dân biểu Tom Emmer, người ủng hộ tiền điện tử của Đảng Cộng hòa, cho biết tài sản kỹ thuật số đang trở thành một vấn đề chính trị quan trọng ở Hoa Kỳ nhưng đang không được quan tâm đúng mức. Ông chỉ ra rằng các ứng cử viên tranh cử tổng thống năm 2024 có thể đánh giá thấp tác động của các vấn đề xung quanh tiền điện tử và blockchain, đặc biệt là lo ngại về quyền riêng tư tài chính.
Emmer tin rằng một số ứng cử viên có thể ủng hộ các quy định nghiêm ngặt đối với tiền điện tử, chẳng hạn như cấm CBDC. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này có thể gây bất lợi cho họ, vì nhiều người Mỹ ủng hộ quyền riêng tư tài chính và công nghệ blockchain.
Emmer cũng đã giới thiệu một dự luật nhằm hạn chế Cục Dự trữ Liên bang phát hành CBDC. Ông ủng hộ việc sửa đổi phân bổ ngân sách của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, điều này có thể làm giảm khả năng của ủy ban trong việc thực thi các hành động thực thi đối với các công ty tiền điện tử.
Ủy viên của SEC, Hester Peirce là người thẳng thắn ủng hộ tiền điện tử, đã kêu gọi các nhà lập pháp và cơ quan quản lý làm rõ ràng về tài sản kỹ thuật số.
Dự luật lưỡng đảng vẫn chưa thực hiện thêm bất kỳ bước tiến nào và hai đảng vẫn đang chia rẽ về vấn đề này. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người trước nay vẫn không ủng hộ crypto, đã tranh thủ được nhiều sự ủng hộ hơn từ các nhà lập pháp chủ chốt trong một liên minh đang phát triển nhằm thúc đẩy một dự luật trấn áp hoạt động rửa tiền và lạm dụng các biện pháp trừng phạt trong tiền điện tử, với sự tài trợ mới từ các đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu tại Thượng viện Nội địa Ủy ban An ninh và Tư pháp.
Có một điều khoản đáng chú ý của dự luật này là các dịch vụ ví như Metamask, công ty crypto bên ngoài Hoa Kỳ cung cấp dịch vụ cho người dân nước này cần lưu lại thông tin của người dùng. Đây là sự khác biệt với chi tiêu tiền mặt và nó tăng tính kiểm soát với tự do tài chính của cá nhân.
Cập nhật vụ kiện SEC vs Binance US
SEC đã tiếp tục thất bại tại tòa án và không thành công trong việc được quyền truy cập vào phần mềm Ceffu của BinanceUS. Thẩm phán Faruqui tuyên bố rằng ông KHÔNG “có ý định cho phép việc kiểm tra [Ceffu] vào lúc này." Ông đề xuất SEC nên đưa ra những yêu cầu cụ thể hơn và tiếp tục nói chuyện với nhiều nhân chứng hơn.
SEC cáo buộc BinanceUS cố tình trì hoãn và kéo dài thời gian cung cấp các tài liệu được yêu cầu và khẳng định rằng BinanceUS đã vi phạm thỏa thuận.
Vài tháng trước, SEC đồng ý không tiếp tục đề xuất đóng băng tài sản của BinanceUS với điều kiện BinanceUS sẽ không chuyển tiền của khách hàng ra nước ngoài.
SEC hiện tại cáo buộc BinanceUS đã sử dụng một công ty con tên là Ceffu để chuyển tiền của khách hàng giữa BinanceUS và Binance.
Binance phản biện rằng yêu cầu cung cấp tài liệu của SEC không hợp lý và đã gây nhiều thiệt hại. Về Ceffu, Binance khẳng định công ty này trước đây là Binance Custody nhưng sau đó đã đổi tên và không phải là một phần của Binance. Đây là một công ty phần mềm độc lập, cung cấp công nghệ ví điện tử mà BinanceUS đã sử dụng.
Binance đang gặp rất nhiều khó khăn kể từ khi mất đối tác ngân hàng, kiện tụng với SEC. Người dùng của Binance US đã rút tiền và giảm rất nhiều bởi rất hạn chế khi mất đối tác ngân hàng hỗ trợ, dù sau này có đối tác mới nhưng rất khó để khách hàng quay lại. Dường như SEC muốn Binance US rời khỏi Hoa Kỳ và họ tiếp tục yêu cầu thêm thông tin. Nó cũng có thể là lý do khiến một số nhân viên cấp cao của Binance US rời đây gần đây.
Giả thuyết về sự ra đời của Bitcoin
Có một học thuyết mới về Bitcoin đã xuất hiện gần đây, đầy thú vị và đáng chú ý. Thuyết này kết nối các sự kiện và tài liệu từ quá khứ để đặt ra câu hỏi liệu NSA (Bộ An Ninh Quốc Phòng của Hoa Kỳ) có thể liên quan đến việc sáng tạo và phát triển Bitcoin. Hãy cùng điểm qua các sự kiện và thông tin quan trọng để tạo nên cơ sở cho thuyết này.
Năm 1996, NSA đã công bố một bài viết mang tiêu đề "LÀM SAO ĐỂ TẠO RA MỘT ĐỒNG TIỀN: MÃ HÓA CỦA TIỀN ĐIỆN TỬ ẨN DANH". Điều này đã thu hút sự chú ý vì chứa các khái niệm và ý tưởng liên quan đến tiền điện tử và ẩn danh trước khi Bitcoin ra đời. Bài viết này cũng đề cập đến một người có tên "Tatsuaki Okamoto", một chuyên gia về công nghệ số hóa.
Bitcoin sử dụng thuật toán SHA-256 cho quá trình mã hóa. Đáng chú ý là sáng chế cho thuật toán SHA-256 (US6829355B2) đã được NSA nộp vào ngày 5 tháng 3 năm 2001 và liệt kê Glenn M. Lilly là người phát minh. Điều này đặt ra câu hỏi về sự liên quan giữa thuật toán mã hóa này và việc phát triển Bitcoin.
Bài viết của NSA xuất hiện trước cả sự xuất hiện của công nghệ BitTorrent vào năm 2001 và các mạng lưới không có máy chủ (P2P). Điều này gợi ý rằng NSA đã nghiên cứu về các khái niệm liên quan đến Bitcoin trước khi chúng trở nên phổ biến.
Một sự kiện khác nổi bật xảy ra vào ngày 27 tháng 4 năm 2011, khi Gavin Andresen, một nhà phát triển Bitcoin, thông báo trên Diễn đàn Bitcoin rằng CIA đã mời anh ta để thảo luận về Bitcoin. Ba ngày sau, Satoshi Nakamoto, người tạo ra Bitcoin, gửi email cho Gavin Andresen và nói rằng anh ta sẽ rời bỏ dự án. Điều này đặt ra câu hỏi liệu CIA có sự liên quan gì đến Satoshi Nakamoto và việc phát triển Bitcoin.
Tuy nhiên, có lẽ cần lưu ý rằng việc kết nối các thông tin và sự kiện này để đưa ra một kết luận chắc chắn về việc NSA là Satoshi Nakamoto vẫn còn là một thuyết không chắc chắn và cần được nghiên cứu thêm.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital