XM - Đối tác Xuất sắc

Crypto Đang Bị Tấn Công: Tất Cả Là Chứng Khoán

11 Tháng 12, 2022 10:20






Crypto giảm và cả thị trường đang bị tấn công bởi các chính trị gia. Họ đề xuất tất cả các altcoin đều bị liệt vào chứng khoán và chuyển sang SEC quản lý. Điều này có nghĩa gì và tác động như thế nào đến tương lai crypto?

Crypto Đang Bị Tấn Công: Tất Cả Là Chứng Khoán

Crypto bị tấn công từ mọi phía

Hiện nay, rất nhiều người trong quốc hội Hoa Kỳ nói rằng chỉ có BTC là hàng hóa. Còn ETH lại được nói là chứng khoán. Một số chính trị gia khác của Hoa Kỳ ở trung tâm của quy định ngành công nghiệp tiền điện tử đã thay đổi lập trường về phân loại pháp lý của Ether. 

Các nghị sĩ Cynthia Lummis và chủ tịch CFTC, ông Rostin Benham đều có quan điểm trái chiều về tình trạng của ETH như một loại hàng hóa. Bà Lummis nói rằng, Bitcoin là thứ duy nhất đủ điều kiện trở thành một loại hàng hóa. Bà nói rằng, do ETH chuyển sang mạng lưới cổ phần và có chế độ staking nên bà cho rằng nó không còn là hàng hóa.

Còn ông Rostin Benham của CFTC chỉ ra rằng anh ấy cũng có thể đã chuyển sang quan điểm của Gensler, mặc dù coi Ether là một loại hàng hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, SEC vẫn không tuyên bố chính thức ETH là chứng khoán. Bởi nếu có thể họ đã làm và áp dụng trong vụ kiện với Ripple. Vì điều đó, SEC đã kiện tụng tới XRP gần 2 năm rồi vẫn chưa có hồi kết.

Một nhà đầu tư nổi tiếng là Michael Saylor cũng nói rằng ETH là chứng khoán. Ông trước nay đều không quan tâm nhiều đến các altcoin, bao gồm Ripple (XRP) và Ethereum (ETH). Trong một lần xuất hiện trên podcast gần đây nhất, Saylor đã lên tiếng về việc phân loại các loại tiền điện tử trong đó là chứng khoán. Với ETH, ông cho rằng, người dùng phải lock lại và chờ đội ngũ ETH phát triển và tăng giá. 

Tuy nhiên, các nhìn này là một phần nhỏ trong các hoạt động của ETH. Người dùng không chỉ staking mà còn dùng giao dịch, tham gia Defi và rất nhiều các ứng dụng khác. Đồng thời, nếu không có Ethereum Foundation thì mạng lưới này vẫn phát triển nhưng có thể với tốc độ khác. Michael Saylor là một trong nhóm nhưng người theo chủ nghĩa BTC nên nhận định về các altcoin sẽ không thực sự khách quan. Nhóm những người theo chủ nghĩa BTC (Bitcoin maximalist) thường khá tiêu cực về altcoin. Họ cho rằng, altcoin chen vào chiếm một phần vốn hóa của crypto khiến cho giá BTC không tăng cao. Với họ, BTC là tốt nhất.

Hiện nay, thị trường crypto đang bị tấn công từ rất nhiều phía. Nhưng chính trong nội bộ những người trong thị trường crypto có lại có những bất đồng và mất đoàn kết. Việc nhóm những người Bitcoin maximalist muốn chống lại altcoin là một điều không hẳn tốt cho thị trường. Khi chính phủ cấm và loại bỏ hết các altcoin thì liệu chính phủ có để cho BTC phát triển hay không hay họ sẽ quay sang đàn áp BTC? 

Dùng luật hiện hành để quản lý crypto?

Theo Giám đốc điều hành của Intercontinental Exchange Inc (ICE), Jeffrey Sprecher và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, hầu hết các loại tiền điện tử có khả năng được quy định là chứng khoán tại Hoa Kỳ và nên giao cho SEC quản lý. Chủ tịch Gary Gensler nói rằng, chỉ cần luật hiện hành để quản lý crypto. 

Luật hiện hành áp dụng vào chứng khoán đã ra đời từ rất lâu và có nhiều lỗ hổng và chưa có những thay đổi để phù hợp sự phát triển và thay đổi. Có những sự kiện lừa đảo lớn như vụ sụp đổ của công ty tài chính lớn Enron Corporation năm 2001 hay vụ Theranos cũng như rất nhiều vụ việc khác. Điều này đã dẫn tới rất nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư trong thị trường chứng khoán chứ không chỉ crypto.

SEC và chủ tịch Gary Gensler gần đây cũng bị chỉ trích bởi SEC dường như chỉ tập trung vào những “chiến tích” nhỏ như thắng kiện LBRY. Nhưng sự sụp đổ lớn của FTX, Voyager, Three Arrows Capital lại không thấy cơ quan này có bất cứ phản ứng hay sự quản lý, điều tra để phát hiện bảo vệ nhà đầu tư nào. Nhiều người nghi ngờ rằng ông Gensler có mối quan hệ với ba của Caroline của Alameda.

Tiêu chuẩn Howey Test với crypto

Theo tiêu chuẩn để đánh giá Howey Test, chứng khoán được định nghĩa là tài sản do một thực thể tập trung phát hành để huy động tiền, theo đó các nhà đầu tư mong đợi thu được lợi nhuận từ việc nắm giữ tài sản đó dựa trên nỗ lực của doanh nghiệp phát hành.

Bài kiểm tra Howey xác định những gì đủ điều kiện là "hợp đồng đầu tư" và do đó sẽ phải tuân theo luật chứng khoán của Hoa Kỳ. Khi làm như vậy, Tòa án Tối cao đã thiết lập bốn tiêu chí để xác định liệu một hợp đồng đầu tư có tồn tại hay không, cụ thể như sau:

  • Một khoản đầu tư tiền

  • Trong một doanh nghiệp chung

  • Với kỳ vọng lợi nhuận

  • Xuất phát từ sự nỗ lực của người khác

Chúng ta cùng nhìn vào cổ phiếu của Google để thấy được rõ hơn tiêu chuẩn này được áp dụng như thế nào. Khi muốn sở hữu, nhà đầu tư dùng tiền của mình để mua cổ phiếu của Google. Cổ phiếu này được phát hành bởi doanh nghiệp chung là công ty Google. Và nhà đầu tư kỳ vọng nhận được lợi nhuận khi đầu tư vào cổ phiếu này. Sự tương trưởng của cổ phiếu này được quyết định bởi nỗ lực của công ty Google thông qua kết quả kinh doanh của họ. Vì vậy, cổ phiếu của Google được xác định là một chứng khoán.

Áp dụng vào với BTC, chúng ta cùng xem xét cả bốn yếu tố. Đầu tiên, nhà đầu tư cũng dùng tiền của mình để mua. Tuy nhiên, BTC không thỏa mãn điều kiện thứ hai bởi BTC không do một công ty hay doanh nghiệp chung nào quản lý. BTC là mạng lưới phi tập trung được phát triển bởi cộng đồng và có các máy node hoạt động phân tán. 

Tiêu chí thứ ba, có những nhà đầu tư sở hữu vì mục đích lợi nhuận, nhưng có người sở hữu nó cho mục đích làm phương tiện giao dịch. Cuối cùng, sự tăng trưởng của BTC không dựa vào nỗ lực của một tổ chức hay doanh nghiệp nào. Mà giá của BTC phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường. Từ những yếu tố trên, Bitcoin không thỏa mãn điều kiện của một chứng khoán nên nó được xếp vào hàng hóa.

Còn khi xét đến altcoin, có nhiều yếu tố là vùng xám chưa rõ ràng để phân định. Ví dụ mới altcoin có vốn hóa lớn thứ hai chỉ sau BTC là Ethereum. Yếu tố đầu tiên, nhà đầu tư dùng tiền để đầu tư vào ETH và có kỳ vọng lợi nhuận. Tiếp theo, yếu tố đầu tư vào một doanh nghiệp chung là vùng xám. Ethereum có đội ngũ phát triển là Ethereum Foundation, họ là đơn vị chính để phát triển kỹ thuật cho ETH. Và lợi nhuận đến từ sự phát triển của Ethereum Foundation cho mạng lưới. Tuy nhiên, cũng có thể lập luận ngược lại, rằng nếu không có Ethereum Foundation thi mạng lưới ETH vẫn phát triển và có những lập trình viên tình nguyện tham gia phát triển mạng lưới. ETH cũng có thể tăng giá chỉ bởi cung - cầu của thị trường chứ không trực tiếp đến từ sự thúc đẩy của đội ngũ phát triển. Vì vậy, việc xét ETH là một chứng khoán sẽ không đủ dẫn chứng rõ ràng, mà có nhiều yếu tố vùng xám.

Một yếu tố khiến ETH giống chứng khoán bởi chế độ staking được nhận phần thưởng của nó. Đội lập trình được trả lương bởi chính Ethereum Foundation, để thúc đẩy việc triển staking. Đội phát triển ETH có ảnh hưởng quá lớn tới sự phát triển của ETH. Do đó, nó khiến ETH giống chứng khoán hơn. Những thông tin trên cũng có những áp lực nhất định đối với đội ngũ phát triển của ETH. Các nhà phát triển cốt lõi của Ethereum đã xác định rằng việc nâng cấp mạng cho phép người dùng rút ETH đã đặt cọc có thể ra mắt sớm nhất là vào tháng 3 năm sau. 

SEC xử phạt chứng khoán chưa đăng ký và luật với crypto

Trước đây, có nhiều token và công ty phát hành nó từng bị SEC kiện với cáo buộc là chứng khoán, nhưng sự xử lý sau đó lại không có sự đồng nhất. SEC luôn nhấn mạnh đến sự công bằng và rõ ràng trong quản lý nhưng họ lại không có một nguyên tắc cụ thể hay cách xử lý thống nhất đối với các công ty crypto được cho là phát hành chứng khoán chưa đăng ký.

Một số cái tên có thể nói đến ở đây là công ty Block.one từng bị SEC kiện token EOS của họ là chứng khoán chưa đăng ký. Sau khi vụ kiện kết thúc, Block One đã nộp phạt 24 triệu USD cho SEC và token EOS vẫn tiếp tục được hoạt động mà không cần đăng ký hay hoạt động qua sàn chứng khoán. EOS vẫn được giao dịch trên các sàn crypto như Coinbase, Kraken,... 

Tiếp theo, Tezos (TXZ) cũng đã bị kiện bởi một nhóm người với cáo buộc công ty này phát hành chứng khoán chưa đăng ký thông qua ICO. Sau đó, SEC đã mở cuộc điều tra và Tezos đã đóng phạt và token tiếp tục được hoạt động bình thường trên các sàn giao dịch crypto.

Còn một số token khác lại ngưng hoạt động sau khi bị SEC xử lý. Năm 2019, Kix muốn phát hành token Kix. Tuy nhiên, SEC đã liệt nó vào chứng khoán và token này đã không còn được hoạt động. Hay công ty Munchee phát hành token MUN nhưng sau khi bị SEC kiện thì token của công ty này cũng không còn hoạt động. Vụ gần nhất là token LBRY đã bị SEC kết luận là chứng khoán, nhà đầu tư vẫn chưa biết sự xử lý của SEC sau vụ kiện là như thế nào.

Có thể thấy, qua các trường hợp, SEC chưa có một luật rõ ràng hay nguyên tắc xử lý thống nhất đối với các token bị liệt vào chứng khoán. Điều này khiến các công ty cũng như thị trường crypto rất hoang mang, lo lắng. Nó dường như chỉ dựa vào quyết định của SEC ở từng thời điểm.

SEC cũng chưa dám đưa ra quyết định liệt tất cả altcoin là chứng khoán. Bởi khi đó cơ quan này sẽ đối mặt với sự phản đối rất lớn và kiện tụng từ rất nhiều dự án crypto. Đồng thời, rất nhiều dự án crypto lớn sẽ rời khỏi Hoa Kỳ gây ảnh hưởng lớn đến việc làm, thuế hay mất đi những dự án có tiềm năng. Vì thế, SEC vẫn cần những hậu thuẫn, hỗ trợ từ Quốc hội. Có thể họ sẽ đưa ra những cách xử lý hợp lý hơn như việc cho các dự án cung cấp giấy tờ, tài liệu về dự án cũng như chứng minh nó không phải là chứng khoán. Cùng với đó, các công ty sẽ báo cáo định kỳ cho SEC và đảm bảo hoạt động. 

Như một đề xuất của nghị sĩ Hester Peicre cũng từng đề xuất vùng an toàn cho các dự án. Trong đề xuất này, các công ty sẽ có thời gian 6 tháng để nộp hồ sơ cho thấy token của họ không phải chứng khoán và tiếp tục hoạt động bình thường. Còn những dự án là chứng khoán sẽ đăng ký với SEC và token hoạt động thông qua sàn giao dịch chứng khoán.

Nhìn chung, việc có luật với crypto sẽ đem lại hành lang pháp lý rõ ràng đối với thị trường. Nó cũng sẽ thúc đẩy các công ty có đầy đủ thông tin để mạnh dạn đầu tư vào thị trường. Vì vậy, có luật rõ ràng giúp các nhà đầu tư an tâm hơn khi đầu tư. Tuy nhiên, nếu luật quá gắt gao sẽ khiến các dự án, công ty và nhà đầu tư rời khỏi Hoa Kỳ. Nhưng crypto vẫn sẽ tiếp tục phát triển ở các thị trường khác. Đây cũng là một thị trường rất lớn trong thị trường crypto cũng như thị trường tài chính toàn cầu. Do đó, khi thị trường có luật hợp lý sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường crypto.

Hiện nay, không chỉ Mỹ mà nhiều cơ quan khác như Ngân hàng trung ương châu Âu cũng muốn có luật cấm các mạng lưới sử dụng nhiều năng lượng. Tuy nhiên, vẫn chưa một quốc gia hay cơ quan nào thực sự đưa ra được một luật chính thức. Bởi để ra luật và được áp dụng cần được bàn luận, thông qua nhiều ban bệ để được chính thức hoạt động. Có thể trong tương lai, luật về crypto cũng có thể rất khác so với các bàn luận lúc này.

 

► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital


Ví trữ lạnh Ledger Nano X
11 Tháng 12, 2022 10:20