Dow Giảm 1600 Điểm, S&P 500 & Nasdaq Có Ngày Tệ Nhất Từ 2020, Crypto Chìm Trong Biển ĐỎ
Một ngày sau khi tổng thống Trump thông báo thuế quan, thị trường chứng khoán trên toàn cầu đều rung chuyển và có ngày giảm rất mạnh. Chúng ta cùng nhìn những ảnh hưởng ban đầu của thuế quan và phản ứng của một số quốc gia.
Tình hình thị trường
Chứng khoán Hoa Kỳ thứ năm (03/04-US) tiếp tục giảm mạnh với Nasdaq giảm nhiều nhất lên đến 5.97%. Đã có 2.85 nghìn tỷ USD bị bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Mỹ trong thứ năm. Hợp đồng dầu cũng có một ngày rất tệ với giá giảm về 66.6 USD/thùng. Còn vàng vẫn ở mức cao 3124 USD/ounce.
Tám quốc gia chủ chốt trong OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng dầu thêm 411.000 thùng/ngày, cao gấp ba lần mức dự kiến ban đầu gần 140.000 thùng/ngày. Quyết định này khiến giá dầu giảm. OPEC cho biết mức tăng có thể tạm dừng hoặc đảo ngược tùy theo điều kiện thị trường.
Bitcoin vẫn xoay quanh 83,000 USD. Xu hướng chung của các altcoin lớn trong ngày qua vẫn giảm. Vốn hóa thị trường crypto ở mức 2.757 nghìn tỷ USD.
Các quỹ BTC spot ETF Hoa Kỳ trong phiên thứ năm (03/04-US) có dòng tiền rời khỏi 99.8 triệu USD. Còn ETH spot ETF cũng có dòng tiền ra là 3.6 triệu USD.
Cập nhật về thuế quan
Sau khi Tổng thống Trump chính thức áp thuế quan cao đối với nhiều quốc gia, thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đã phản ứng tiêu cực, lao dốc do lo ngại trước mức thuế lớn và đột ngột. Mặc dù gây tranh cãi, không thể phủ nhận rằng động thái này khiến thị trường "trở tay không kịp".
Đáp lại lo ngại từ giới đầu tư, ông Trump khẳng định đây là một phần trong kế hoạch đã được chuẩn bị từ lâu nhằm thu hút thêm đầu tư vào Hoa Kỳ, tạo công ăn việc làm và cân bằng cán cân thương mại. Ông cho rằng dù thị trường ngắn hạn gặp biến động, về dài hạn nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ. Đây là một bước đi nhất quán trong chiến lược mà ông từng cam kết với cử tri trong chiến dịch tái tranh cử.
Thị trường giảm vào ngày sau khi Tổng thống Donald Trump áp dụng chính sách "thuế quan qua lại" sâu rộng, bao gồm thuế cơ sở 10% đối với hầu hết mọi quốc gia.
Kế hoạch này áp dụng mức thuế quan cao hơn nhiều đối với nhiều quốc gia, bao gồm 34% đối với Trung Quốc, 20% đối với Liên minh châu Âu, 46% đối với Việt Nam và 32% đối với Đài Loan.
Các nhà kinh tế và đối tác thương mại của Hoa Kỳ đang đặt ra câu hỏi về cách Nhà Trắng tính toán mức thuế quan mà họ tuyên bố các quốc gia khác "áp dụng" cho Hoa Kỳ. Các chuyên gia tiếp tục tranh luận về toàn bộ tác động tiềm tàng.
Trump hiện cho biết ông sẵn sàng đàm phán, trái ngược với các trợ lý của Nhà Trắng khẳng định mức thuế quan toàn diện không phải là chiến thuật mặc cả. Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng đàm phán với các quốc gia về thuế quan nếu họ đưa ra những đề nghị hợp lý.
Điều này phù hợp với phát biểu của Bộ trưởng Tài chính, rằng các mức thuế công bố là mức cao nhất, và Tổng thống Trump sẵn sàng đàm phán giảm thuế theo từng trường hợp cụ thể, miễn là các quốc gia khác không trả đũa.
Thông báo thuế quan này mặc dù không tốt nhưng nó cho thấy sự rõ ràng và đây cũng đã là mức thuế quan cao nhất. Nếu các quốc gia không trả đũa và đàm phán có thể mức thuế quan sẽ giảm xuống.
Một số ảnh hưởng và động thái từ các quốc gia
Thuế quan mới của Hoa Kỳ đối với ô tô nhập khẩu có hiệu lực, khiến Stellantis phải tạm dừng sản xuất tại các nhà máy của mình ở Canada và Mexico.
Nhà máy tại Canada (sản xuất Chrysler Pacifica và Dodge Charger Daytona EV) sẽ nghỉ 2 tuần. Nhà máy tại Mexico (sản xuất Jeep Compass và Jeep Wagoneer S EV) sẽ nghỉ cả tháng 4, bắt đầu từ thứ Hai. Hàng ngàn nhân viên sẽ bị tạm thời cho nghỉ việc.
Sau đó, Thủ tướng Mark Carney cho biết Canada sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các phương tiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ không tuân thủ thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada. Hiện Canada chủ yếu đáp lại thuế quan tương đương với Hoa Kỳ và có tín hiệu muốn đàm phán.
Về phía châu Âu, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng Tổng thống Trump có thể sẽ nhượng bộ nếu châu Âu tạo đủ áp lực. Ông kêu gọi Đức và EU đoàn kết phản ứng mạnh mẽ, thay vì xoa dịu Trump. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz cũng chỉ trích chính sách thuế quan mới là "sai lầm cơ bản", sau khi Trump áp thuế 20% lên hàng hóa từ EU, bao gồm cả Đức.
Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni cũng cho biết các mức thuế thương mại do Hoa Kỳ công bố là một sai lầm, nhưng tác động của chúng không nên bị phóng đại. Bà nhấn mạnh rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra phản ứng, và việc trả đũa là không khôn ngoan.
Có thể thấy, để có sự đồng thuận các nước trong EU chống lại chính sách thuế quan của Hoa Kỳ là rất khó có thể. Bởi mỗi nước có tình hình, vị thế, khó khăn và thuận lợi khác nhau.
Một quốc gia khác sẵn sàng đàm phán là Thái Lan. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết Thái Lan sẽ đàm phán với Hoa Kỳ về các mức thuế.
Việc làm ở Hoa Kỳ giảm xuống và ảnh hưởng của thuế quan
Số lượng việc làm bị cắt giảm ở Mỹ trong tháng 3 tăng mạnh 204,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 275.240 việc làm – theo báo cáo từ Challenger. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020.
Sa thải tăng vọt, thị trường lao dốc khi thuế quan của Tổng Thống Trump làm rung chuyển kinh tế toàn cầu. Thông báo sa thải đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đại dịch, một phần do Elon Musk tái cơ cấu các cơ quan liên bang liên quan đến DOGE, cùng với làn sóng cắt giảm nhân sự lan rộng ở khu vực tư nhân.
Trong khi đó, các mức thuế mới do Tổng thống Trump công bố đã đẩy thị trường chứng khoán chìm sâu trong sắc đỏ. Nhà đầu tư đổ xô sang trái phiếu, khiến lợi suất giảm mạnh. JPMorgan cảnh báo rằng nếu các mức thuế này được duy trì, cả kinh tế Mỹ và toàn cầu có thể rơi vào suy thoái.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nói với CNBC rằng các mức thuế này nhằm gây áp lực buộc các quốc gia khác phải xem xét lại chính sách thương mại và mở rộng quyền tiếp cận thị trường cho hàng hóa Mỹ.
Kế hoạch công bố thuế đã được chuẩn bị trong nhiều tháng, dù chính quyền Trump liên tục trấn an thị trường rằng tình hình sẽ không quá tệ, sau đó công bố những con số quá lớn để gây hoảng loạn thì khả năng là có chủ đích. Còn mức thuế có “hợp lý” hay không là chuyện khác nhưng sự thật không thể phủ nhận là những con số này quá lớn và gây sốc.
Kết luận hợp lý là Tổng thống Trump hoàn toàn nhận thức được tác động của các mức thuế này. Ông thậm chí còn tuyên bố không quan tâm đến thị trường chứng khoán lúc này. Bộ trưởng thương mại cũng xác nhận đây là điều ông muốn. Như lời Bộ trưởng Tài chính phát biểu hôm qua: thị trường tài chính sụt giảm “là vấn đề của Mag 7, không phải vấn đề của MAGA”
Hôm qua, một dự luật nhằm đảo ngược một phần thuế quan đã nhanh chóng bị chặn lại, cho thấy Nhà Trắng đã có sự chuẩn bị để đối đầu với phản ứng từ Quốc hội.
Nhưng câu hỏi lớn hơn là: Vì sao?
Tổng thống Trump muốn Fed cắt giảm lãi suất. Chủ tịch Fed Jerome Powell từ chối, trừ khi nền kinh tế suy yếu, thất nghiệp tăng, lạm phát giảm hoặc có dấu hiệu suy thoái. Và giờ đây, có vẻ như cả các điều này đang dần trở thành hiện thực. Sa thải hàng loạt khiến chi tiêu giảm, kéo theo lạm phát hạ nhiệt và rủi ro suy thoái gia tăng.
Cùng lúc đó, thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm, gián tiếp hạ chi phí vay. Nỗi lo về thuế quan cũng có thể thúc đẩy các công ty đầu tư nhiều hơn vào Hoa Kỳ trong tương lai.
Đây có thể là kế hoạch dài hạn của Tổng thống Trump: tạo ra đau đớn ngắn hạn để buộc Fed phải hạ lãi suất và thúc đẩy công nghiệp trong nước.
Liệu ông có thành công hay không vẫn còn là câu hỏi, nhưng chắc chắn một điều là thị trường tài chính sẽ phải chịu đựng áp lực trước mắt.
Các thông tin khác:
-
Ripple vừa tích hợp stablecoin RLUSD vào hệ thống thanh toán xuyên biên giới Ripple Payments, mang đến tốc độ xử lý vượt trội và chi phí thấp hơn cho các giao dịch quốc tế. Được cấp phép bởi Sở Dịch vụ Tài chính Bang New York (NYDFS), RLUSD được hỗ trợ bởi trái phiếu chính phủ Mỹ và các tài sản tương đương, đảm bảo tính thanh khoản và độ tin cậy.
-
Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật quản lý stablecoin Dự luật có tên gọi là Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Stablecoin vì một nền kinh tế sổ cái tốt hơn đã được ủy ban này thông qua vào thứ Tư với 32 phiếu thuận và 17 phiếu chống.
-
Theo Geoffrey Kendrick của Standard Chartered, giá token AVAX của Avalanche có thể tăng hơn 10 lần và đạt giá $250 vào cuối năm 2029. Geoffrey Kendrick, giám đốc nghiên cứu tài sản kỹ thuật số toàn cầu của ngân hàng, cho biết trong một email gửi cho The Block vào thứ Tư khi chia sẻ báo cáo mới nhất của mình.
-
Nguồn cung stablecoin trên mạng Avalanche đã tăng đến 2,5 tỷ USD, tăng hơn 70% chỉ trong vòng một năm. Dù vậy, giá đồng AVAX lại giảm gần 60%. Theo chuyên gia từ IntoTheBlock, phần lớn lượng stablecoin này có thể đang “nằm yên” dưới dạng kho quỹ, chứ chưa được đưa vào các hoạt động DeFi như lending, swap… Vì vậy, không tạo ra nhu cầu thực tế cho AVAX (dùng làm phí gas, tài sản thế chấp).
-
Thượng nghị sĩ Ted Cruz giới thiệu Đạo luật FLARE nhằm khuyến khích các doanh nhân sử dụng khí đốt tự nhiên bị lãng phí để đào crypto.
-
Hàn Quốc đang xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tiền điện tử trong nước nếu các sàn đáp ứng yêu cầu chống rửa tiền. Việc này nhằm thu hút vốn toàn cầu, thúc đẩy thị trường tiền điện tử và loại bỏ chênh lệch giá (Kimchi Premium) giữa sàn Hàn Quốc và quốc tế.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital