$ 83,966.2
BTC
-0.64 %
$ 1,595.39
ETH
-1.59 %
$ 581.56
BNB
-0.69 %
$ 0.6122
ADA
-3.35 %
$ 3.54
DOT
-4.26 %
$ 2.10
XRP
-1.71 %
Fx Pro - Tiềm năng nhận quà đột phá

Một Ngày Đầy Biến Cố, Nội Bộ Ủng Hộ Trump Bất Đồng - Áp Lực Gia Tăng Trên Thị Trường

08 Tháng 04, 2025 17:02


Thuế quan vẫn tiếp tục căng thẳng và các thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp tục giảm trong hoảng loạn. Đã có những cập nhật thêm về động thái các quốc gia về thuế quan và có những ý kiến trái chiều trong chính nội bộ ủng hộ tổng thống Trump về chính sách của ông.

Tình hình thị trường

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch thứ hai (07/04) với chỉ số DOW giảm 349 điểm, vẫn trong sắc đỏ nhưng khá hơn so với lúc mở phiên. Tuy nhiên, nhóm "Magnificent 7" chịu cú đánh mạnh, đặc biệt là Apple mất gần 640 tỷ USD vốn hóa chỉ trong 3 ngày.

Kể từ đầu năm 2025, hiệu suất của các ông lớn công nghệ như Tesla giảm 43.7%, Apple giảm 28.9%, Nvidia giảm 28.8%, Alphabet giảm 23.3%, Amazon giảm 21.8%, Microsoft giảm 16.1% và Meta giảm 13.1%.

Trong khi đó, thị trường châu Âu và châu Á cũng chìm trong sắc đỏ, với chỉ số HSI của Hồng Kông giảm hơn 13% và chỉ số Thượng Hải của Trung Quốc giảm hơn 7% chỉ trong một ngày.

Và BTC đã giảm 16.09% về mức thấp hơn 74,000 USD dù sau đó có hồi lại về quanh 79,000 USD. Hầu hết altcoin đều giảm mạnh. Vốn hóa thị trường crypto cũng giảm về 2.6 nghìn tỷ USD.

Với sự sụt giảm mạnh trong hoảng loạn của thị trường, đã có 1.6 tỷ USD lệnh đòn bẩy crypto bị thanh lý trong vòng 1 ngày qua.

Nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đã kích hoạt circuit breaker (tạm ngưng giao dịch), tính đến thời điểm ngày 06/04 là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hợp đồng tương lai Russell, Úc và Singapore. Về Đài Loan đã tạm thời áp đặt hạn chế bán khống cổ phiếu, trong bối cảnh thị trường toàn cầu lao dốc

Các quỹ phòng hộ đang đối mặt với margin call lớn nhất kể từ khủng hoảng Covid-19. Các ngân hàng lớn ở Phố Wall yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp vì danh mục đầu tư của khách hàng giảm sâu.

Vanguard kêu gọi nhà đầu tư giữ vững kế hoạch dài hạn dù thị trường biến động do thuế quan mới, đồng thời nhấn mạnh rằng lịch sử cho thấy thị trường cuối cùng sẽ hồi phục.

Phản ứng của tổng thống Trump

Đối đầu với sự sụt giảm mạnh của thị trường, tổng thống Trump cho biết ông không muốn cổ phiếu giảm “nhưng đôi khi bạn phải uống thuốc để chữa lành bệnh”. Phát biểu này khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng vì họ kỳ vọng ông sẽ đưa ra biện pháp hỗ trợ như tạm hoãn thuế quan hoặc có động thái tích cực nào đó để ổn định thị trường.

Tuy nhiên, Trump dường như đang chuyển trọng trách sang Cục Dự trữ Liên bang (Fed), ám chỉ rằng Fed cần hành động nếu muốn cứu thị trường. Dù chính quyền có thể đã dự đoán được phản ứng tiêu cực từ thị trường, nhưng mức độ sụt giảm sâu và sự hoảng loạn kéo dài có thể đã vượt ngoài mong đợi của họ.

Trump vẫn kiên định với chính sách thuế quan của mình, cho rằng đây là con đường đúng đắn cho lợi ích dài hạn của nước Mỹ, dù thừa nhận sẽ gây tổn thương ngắn hạn. Ông kêu gọi người dân hãy "mạnh mẽ, đừng yếu đuối", nhấn mạnh rằng tình hình hiện tại chỉ là tạm thời và mọi thứ sẽ ổn định trở lại trong tương lai.

Phát biểu của bộ trưởng bộ tài chính Hoa Kỳ

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, trong cuộc trò chuyện với Tucker Carlson, đã nêu bật sự bất bình đẳng trong phân bổ tài sản tại Mỹ. Ông cho biết 10% người Mỹ giàu nhất đang sở hữu tới 88% cổ phiếu, tương đương 88% toàn bộ thị trường chứng khoán. Trong khi đó, 40% dân số tiếp theo chỉ nắm giữ 12% cổ phiếu, còn 50% dưới cùng thì hoàn toàn không có cổ phần mà chỉ gánh nặng nợ nần — từ nợ thẻ tín dụng, vay mua ô tô, đến chi phí thuê nhà. Ông nhấn mạnh cần có chính sách để giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhóm dân cư này.

Bessent cũng trích dẫn một nghiên cứu từ MIT cho thấy mức thuế quan 20% áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump chỉ làm giá cả tăng khoảng 0,7% trong vòng 4 năm, trong khi thu nhập thực tế của người dân vẫn tiếp tục tăng. Ông cho rằng tác động của các mức thuế này là có thể chấp nhận được, đặc biệt khi lãi suất ở mức thấp đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn mua nhà.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng sự giảm mạnh gần 15% của giá dầu chỉ trong hai ngày gần đây mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động nhiều hơn là những biến động trên thị trường chứng khoán, bởi phần lớn người dân Mỹ — đặc biệt là tầng lớp trung lưu và lao động — không sở hữu cổ phiếu, mà chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chi phí sinh hoạt.

Ông lập luận rằng những người bị ảnh hưởng nặng nhất bởi lãi suất và chi phí sinh hoạt không phải là những người giàu đang đầu tư cổ phiếu, mà là nhóm dân cư trung lưu và nghèo — những người quan tâm đến việc lãi suất có thấp để họ dễ tái cấp vốn và chi tiêu hiệu quả hơn. Do đó, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất sẽ giúp giảm gánh nặng nợ và hỗ trợ nhóm người yếu thế trong xã hội.

Tóm lại, theo Bessent, thị trường chứng khoán giảm là vấn đề của người giàu, còn điều người dân cần là lạm phát được kiểm soát và lãi suất thấp hơn. Đây là quan điểm mà ông đã nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc phỏng vấn gần đây.

Cập nhật về thuế quan

Mặc dù các mức thuế quan đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ mất gần 6 nghìn tỷ USD và làm rung chuyển thị trường toàn cầu, chính quyền Trump vẫn khẳng định đây là bước đi chiến lược nhằm tăng cường vị thế đàm phán của Mỹ trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tiết lộ rằng hơn 50 quốc gia đã bắt đầu đàm phán với Hoa Kỳ kể từ khi các mức thuế được công bố vào thứ Tư, nhưng không tiết lộ các quốc gia liên quan.

Tổng thống Trump cho biết nhiều quốc gia đang đàm phán với Mỹ và thiết lập các điều kiện thương mại công bằng. Ông đã trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản, người sẽ cử một phái đoàn cấp cao đến đàm phán. Trump chỉ trích việc Mỹ bị đối xử bất công trong thương mại, đặc biệt là từ Trung Quốc, và khẳng định mọi thứ cần phải thay đổi.

Tổng thống Zimbabwe cho biết ông sẽ tạm dừng tất cả các mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Còn các đối tác lớn như châu Âu và Trung Quốc vẫn đang căng thẳng. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen chính thức đề xuất với Mỹ một thỏa thuận dỡ bỏ toàn bộ thuế công nghiệp, một thỏa thuận 0% thuế quan cho cả hai bên.

Theo Reuters, EU sẽ áp thuế trả đũa lên 28 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm bourbon, chip bán dẫn và giấy vệ sinh, nhằm đáp trả việc Trump áp thuế lên thép, nhôm và ô tô EU. Thuế quan của Tổng thống Trump ảnh hưởng đến hơn 70% hàng xuất khẩu EU sang Mỹ (585 tỷ USD năm ngoái).

Không phải quốc gia nào cũng đồng ý kế hoạch đáp trả nhưng EU dự kiến sẽ phê duyệt áp thuế vào thứ Tư, triển khai thành 2 đợt bắt đầu từ 15 tháng 4. 

Tổng Thống Trump đã cảnh báo sẽ đáp trả bằng mức thuế 200% nếu EU tiến hành.

Còn Trung Quốc, tổng thống Trump tuyên bố nếu Trung Quốc không rút lại mức tăng thuế trả đũa 34% trước ngày 8/4/2025, Mỹ sẽ áp thêm thuế 50% đối với Trung Quốc kể từ ngày 9/4. 

Ông cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, trợ cấp trái phép và lạm dụng thương mại. Ông Trump cũng cho biết sẽ hủy mọi cuộc gặp đã lên lịch với Trung Quốc và chuyển sang đàm phán với các quốc gia khác.

Sau đó, đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã tag Tổng thống Trump trên mạng xã hội X trong một bài đăng mà không có bất kỳ thông tin gì đi kèm. 

Với tình hình này, Trung Quốc đang xem xét các biện pháp kích thích kinh tế được đẩy nhanh để đối phó với các mức thuế mới từ Mỹ. Cuối tuần qua, các quan chức cấp cao đã họp để thảo luận về việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ xuất khẩu và ổn định thị trường.

Điều này cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại, và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cần phải can thiệp bằng cách in tiền và bơm tiền vào thị trường. Tương tự, FED cũng không thể đứng nhìn, đặc biệt là khi Tổng thống Trump đang tiếp tục đẩy mạnh các mức thuế, và ngày càng rõ ràng rằng đây là một động thái nhắm trực tiếp vào Trung Quốc.

Đây là lý do tại sao chiến tranh thương mại ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính trong ngắn hạn. Sau đó, các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ, điều này khiến tài sản tăng giá, trong khi nền kinh tế vẫn yếu đi. Đó là lý do tại sao kinh tế và thị trường tài chính là 2 cái khác nhau.

Trump tiếp tục kêu gọi FED giảm lãi suất

Tổng thống Donald Trump vừa đăng tải một thông điệp mạnh mẽ kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhanh chóng cắt giảm lãi suất. Trong bài viết, ông nhấn mạnh rằng các yếu tố kinh tế quan trọng như giá dầu, lãi suất thị trường và giá thực phẩm đều đang giảm, trong khi lạm phát gần như không còn là mối lo. Ông cho rằng FED đã hành động quá chậm chạp và cần can thiệp ngay để hỗ trợ nền kinh tế.

Sau đó, có thông tin FED sẽ tổ chức một cuộc họp kín trong ngày 06/04. Cuộc họp kín này đã được thông báo vào ngày 3 tháng 4, một ngày sau khi thông báo về thuế quan được đưa ra.

Bob Michele từ JPMorgan Asset Management cho biết Fed có thể sẽ phải cắt giảm lãi suất trước cuộc họp tiếp theo vào tháng 5.

Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, làm giá cả leo thang và làm suy yếu các liên minh dài hạn.

BlackRock CEO Larry Fink, cảnh báo rằng thị trường chứng khoán có thể tiếp tục giảm thêm 20% khi tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi, mặc dù ông xem đợt sụt giảm hiện tại là một “cơ hội mua vào”.

Larry Fink cũng cho biết Hoa Kỳ có thể đã rơi vào suy thoái, nói rằng: “Hầu hết các CEO mà tôi trao đổi đều tin rằng chúng ta đang ở trong một cuộc suy thoái ngay lúc này.”

Một số ý kiến trái chiều về thuế quan trong những người ủng hộ ông Trump

Có những giả thuyết về cách tổng thống Trump thực hiện các chính sách thuế quan hiện nay của ông. Đây vẫn chỉ là giả thuyết bởi hầu hết mọi người không thực sự biết ông Trump muốn làm gì. Tuy nhiên, với những chính sách thuế quan vừa qua đã có một số quan điểm trái chiều đang xuất hiện trong nội bộ những người từng ủng hộ Tổng thống Trump.

Tỷ phú Bill Ackman, một người ủng hộ Trump lâu năm, chỉ trích việc bổ nhiệm Howard Lutnick làm Bộ trưởng Thương mại, cho rằng ông này có xung đột lợi ích vì công ty ông hưởng lợi khi cổ phiếu Mỹ sụp đổ do nắm giữ trái phiếu dài hạn.

Elon Musk đã im lặng trong suốt thời gian Tổng thống Trump đưa ra quyết định về thuế quan, nhưng cuối cùng ông cũng lên tiếng. Elon bày tỏ hy vọng rằng Hoa Kỳ và châu Âu sẽ tiến tới việc xóa bỏ hoàn toàn thuế thương mại.

"Tôi hy vọng rằng cả châu Âu và Hoa Kỳ sẽ đồng thuận, và theo quan điểm của tôi, lý tưởng nhất là tiến tới một tình trạng không thuế quan, thực chất tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa châu Âu và Bắc Mỹ".

Một số người đã cáo buộc Elon Musk có xung đột lợi ích, vì Tesla bị ảnh hưởng bởi các mức thuế khi vẫn cần nhập khẩu linh kiện để sản xuất xe. Có thể đúng... nhưng cũng cần lưu ý rằng Elon từ lâu đã là người ủng hộ thương mại tự do, đây cũng là quan điểm mà Elon đã từng bày tỏ từ năm 2020.

Kimbal Musk, em trai của Elon Musk đã lên tiếng chỉ trích chính sách thuế quan của Donald Trump, gọi đó là một “loại thuế cấu trúc và vĩnh viễn áp lên người tiêu dùng Mỹ” và cho rằng Trump có thể là “tổng thống đánh thuế cao nhất trong nhiều thế hệ gần đây, ngay cả khi thuế quan có thành công trong việc đưa việc làm quay trở lại Mỹ, thì giá cả vẫn sẽ duy trì ở mức cao vì Hoa Kỳ không phải là quốc gia chuyên về sản xuất.

Trong khi đó, Cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất của tổng thống Trump đã lên tiếng bảo vệ các mức thuế trong một cuộc phỏng vấn với CNN. Ông cho rằng thị trường sẽ sớm ổn định và tăng trưởng trở lại, với kỳ vọng chỉ số Dow Jones có thể đạt mốc 50,000 trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump. Tuy nhiên, ông cũng không ngần ngại chỉ trích Elon Musk vì ủng hộ thương mại tự do, cho rằng Musk chỉ đang nói từ góc độ của một người bán xe chứ không hiểu sâu sắc về chính sách thương mại quốc gia.

 

► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital


Ví trữ lạnh Ledger Nano X
08 Tháng 04, 2025 17:02