XM - Đối tác Xuất sắc

7 sai lầm thường gặp trong thị trường bull market mà bạn có thể mắc phải

09 Tháng 08, 2024 14:38

Chúng ta có thể có nhiều thứ để đánh mất trong cuộc sống này, nhưng đừng đánh mất cơ hội hiếm có mà bull market mạng lại.

7 sai lầm thường gặp trong thị trường bull market mà bạn có thể mắc phải

Chúng ta đã chờ đợi nó lâu rồi và điều quan trọng là phải nắm bắt những khoảnh khắc nhanh chóng mà nó mang lại để tối đa hoá lợi nhuận và thay đổi cuộc sống của bạn thông qua việc đầu tư vào thị trường crypto. 

Trong thị trường tăng giá, giá các đồng coin tăng nhanh có thể khiến bạn chủ quan và hành động như một nhà đầu tư bất khả chiến bại. 

Tuy nhiên, ngay cả trong thị trường tăng giá, vẫn có đầy rẫy những thử thách và rủi ro đáng kể. Bằng cách thừa nhận những sai lầm phổ biến này, các nhà đầu tư có thể chuẩn bị và bảo vệ danh mục đầu tư của mình tốt hơn và bảo vệ được số lợi nhuận quý giá của mình. 

Đâu là dấu hiệu chúng ta nhận biết một crypto “Bull Market” bắt đầu 

Thị trường bull market, hay còn gọi là thị trường tăng giá, là một thuật ngữ dùng để mô tả giai đoạn mà giá của các tài sản, chẳng hạn như cổ phiếu, crypto, hoặc bất kỳ loại hình đầu tư nào, đang tăng lên liên tục trong một khoảng thời gian dài. 

Hình ảnh con bò tót đâm sừng lên cao là biểu tượng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững của thị trường.

Thị trường tăng giá crypto được phân biệt bằng sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể về giá trị của tài sản kỹ thuật số. Những giai đoạn này được đánh dấu bằng một số đặc điểm chính:

Giá tăng liên tục

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của một bull market là sự tăng giá liên tục của các đồng crypto mà đặt biệt là Bitcoin. Nếu giá của Bitcoin và các altcoin lớn tăng đều trong một khoảng thời gian dài mà không có dấu hiệu giảm mạnh, đây có thể là một chỉ báo của thị trường tăng giá.

Giá Bitcoin vượt đỉnh cũ trước đó là một dấu hiệu tốt cho một mùa bull market bắt đầu. 

Khối lượng giao dịch tăng cao 

Khối lượng giao dịch là một chỉ số quan trọng khác để nhận biết thị trường tăng giá. Khi khối lượng giao dịch tăng cao, điều này cho thấy có nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường và sự quan tâm đối với crypto đang gia tăng.

Tâm lý thị trường tích cực 

Trong giai đoạn bull market, tâm lý chung của thị trường thường rất tích cực. Tin tức về crypto xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, và nhiều người bắt đầu quan tâm và đầu tư vào crypto. Từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư hơn vào thị trường.

Dòng tiền đổ vào thị trường 

Dòng tiền mới từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đổ vào thị trường crypto là một dấu hiệu khác của bull market. Khi nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường, giá trị của các đồng coin lớn lẫn nhỏ thường tăng lên.

Đổi mới công nghệ và sự chấp nhận rộng rãi 

Sự phát triển công nghệ và việc chấp nhận rộng rãi crypto trong các ứng dụng thực tế cũng là dấu hiệu của bull market. Khi ngày càng có nhiều ứng dụng blockchain và crypto được chấp nhận trong đời sống hàng ngày, điều này thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.

Và còn một dấu hiệu mạnh mẽ nữa của thị trường tăng giá và là một tín hiệu mạnh để bạn có thể chốt lời là khi bạn bắt đầu nghe xung quanh bạn, những người trước đó không có một khái niệm gì về việc đầu tư và công nghệ. 

Nhưng nay họ bắt đầu bàn bạc về nó như một "chuyên gia", khoe về việc đầu tư coin này coin kia. Công nghệ blockchain này và nọ. Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy có sự FOMO lớn đang diễn ra trong thị trường. 

Sau đây là các sai lầm phổ biến trong thị trường tăng giá mà bạn cần tránh, cùng với các mẹo giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt và tối đa hóa lợi nhuận. 

Không chốt lời

Có ai đầu tư mà không muốn lời, nhưng sẽ có một số người đầu tư mà không muốn chốt lời, họ chỉ muốn giá tăng và tăng cho đến mãi mãi, vì một khi họ chốt, họ sợ họ sẽ bỏ lỡ cơ hội trong tương lai. 

Đây có thể được xem là một trong những sai lầm phổ biến nhất mà nhiều nhà đầu tư crypto gặp phải ở những chu kỳ đầu tiên của họ trong thị trường. Vì đôi khi chúng ta thường yếu đuối và bỏ cuộc trước sức mạnh của sự FOMO đến điên rồ mà thị trường đưa cho ta. 

Để giải quyết vấn đề này thì chúng ta cần biết rõ mục tiêu đầu tư của chúng ta là gì, và số tiền mà bạn mong muốn cho chu kỳ này. Một khi thị trường cho ta cơ hội có được số tiền đó thì bạn sẽ không chần chừ mà chợp lấy. Nhưng thực tế thường không dễ như lý thuyết nêu trên. 

Nên giải pháp tối ưu là bạn có thể chốt lời từ từ, DCA out ra khỏi thị trường. Bạn có thể bán ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng một số lượng coin nhất định và đều đặn, mục đích là để bạn bán ra ở mức giá cao (chứ không phải ở đỉnh) ở thị trường tăng giá. 

Và khi thị trường có đột ngột đảo chiều và giảm mạnh, dù chưa có được số lợi nhuận như mục tiêu đề ra thì bạn vẫn có được một số "lợi nhuận nhất định" do đã đều đặn bán ra. 

Tìm hiểu thêm: Sai lầm lớn mà mọi người thường mắc phải trong mùa bò là gì?

Không đa dạng hoá hoặc đa dạng hoá quá mức 

Không đa dạng hoá có nghĩa là bạn quá yêu một đồng coin nào đó và chỉ muốn gắn kết với nó đến suốt cuộc đời, bạn đầu tư tiền bạc công sức và thời gian với đồng coin đó (đặc biệt là altcoin), và ngoài nó ra bạn không còn quan tâm đến bất kỳ đồng coin nào khác. 

Tìm hiểu thêm: Bí quyết đa dạng hóa trong đầu tư crypto một cách hiệu quả

Còn đa dạng hoá quá mức ngược lại với câu chuyện trên, bạn có lẽ là một gã trai đa tình khi dành tình cảm và sự kỳ vọng của mình cho rất nhiều đồng coin khác nhau (30 hoặc 40 coins hoặc hơn). Bạn rải số vốn đầu tư lẫn sự chú ý của mình và chia nhỏ nó ra để đầu tư vào nhiều đồng coin khác nhau nhằm mong muốn tối đa hoá lợi nhuận. 

Tuy nhiên cả hai cách làm trên thật sự không hiệu quả. Một doanh mục đầu tư với tỷ lệ đa dạng hoá vừa phải sẽ giúp bạn có thể tối đa hoá lợi nhuận và đồng thời hạn chế rủi ro nếu một vài đồng coin trong danh mục của bạn thua lỗ. 

FOMO (Fear of missing out - Hội chứng sợ bỏ lỡ)

FOMO là khi giá Bitcoin ở mức 3k bạn từ chối mua, 20k bạn từ chối mua nó, 40k bạn từ chối mua nó, nhưng một ngày nào đó bạn thức dậy và thấy tin tức giật tít về việc Bitcoin đã vượt đỉnh cũ ở đang ở mức 73k thì bạn lập tức thấy Bitcoin là một cái gì đó “rất giá trị” và “phải mua” bằng được ở giá này. Vì bạn không muốn mình phải mua Bitcoin ở giá 100k.

Đây đích thị là cái cảm giác được gọi là “FOMO”. 

Nó thường diễn ra trong thị trường tăng giá, và phần lớn người mới đến với thị trường crypto đều được dẫn dắt bởi thứ cảm xúc này. Điều này khiến bạn luôn mua crypto ở mức giá cao và sau đó bán lại ở mức giá thấp hơn vì sợ hãi. 

FOMO cũng khiến nhiều nhà đầu tư bỏ qua việc nghiên cứu kỹ lưỡng về các dự án mà họ đầu tư. Khi thấy một dự án được quảng bá rầm rộ và giá tăng mạnh, họ dễ dàng bị cuốn theo mà không xem xét cẩn thận liệu dự án đó có thực sự có tiềm năng hay có giá trị hay không.

Giải pháp cho vấn đề này rất dễ để xử lý, đó là bạn sẽ không mua bất kỳ thứ gì trong lúc thị trường tăng giá. Chỉ có vậy thôi, không có một công thức kỳ diệu gì ở đây cả.

Tìm hiểu thêm: Có phải mua coin trong thị trường tăng giá là một sự nguy hiểm?

Nhưng bạn tự hỏi, không mua crypto thì làm sao tôi có được lợi nhuận? 

Câu trả lời là phần lớn lợi nhuận bạn tạo ra trong việc đầu tư crypto đến từ việc bạn mua coin trong bear market (thị trường giảm giá) và khi bull market đến là lúc bạn chốt lời. Bull market không phải là thời điểm để bạn mua coin. Nếu bạn vẫn đang hì hục ngày đêm, dành dụm hết số tiền mình có để mua coin đang tiếp tục tăng giá trong bull market thì khả năng cao là bạn đang bị FOMO rồi đấy. 

Không có Bitcoin trong danh mục đầu tư  

Altcoin thường lấp lánh và hào nhoáng với những nhà đầu tư mới khi bước chân vào thị trường crypto. Nhưng những ai đã ở lại lâu năm trong thị trường crypto thường biết rằng, sau tất cả thì Bitcoin mới là kẻ thắng trận. 

Điều đó có nghĩa bạn cần nắm giữ một số lượng BTC nhất định trong danh mục của mình. Vì trong dài hạn có nhiều thống kê chỉ ra rằng gần 90% các đồng Altcoins sẽ chết và giá của chúng sẽ không quay trở lại đỉnh cũ trước đó. 

Trong thế giới crypto. Bitcoin được xem là “vua” vì nó đã rất nhiều lần sập xuống nhưng lại đứng lên phá vỡ đỉnh cũ của mình, tạo ra rất nhiều niềm tin cộng đồng đầu tư. Và trong những năm gần đây. Bitcoin không chỉ được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà còn được lưu trữ bởi các công ty trên sàn chứng khoán, những công ty không trên sàn chứng khoán, các quỹ đầu tư lớn và các chính phủ của các quốc gia.

Bitcoin dẫn dắt xu hướng di chuyển của cả thị trường crypto và thường có mức biến động thấp hơn Altcoin và có xu hướng giữ giá trị tốt hơn trong thời gian dài hạn khi bạn lưu trữ. 

Dưới ánh mắt của nhà đầu tư mới, Bitcoin là một ông cụ chậm chạp luôn theo sau những Altcoin thời thượng với trang bị là những công nghệ tối tân. 

Nhưng họ không biết rằng, so với các loại tài sản truyền thống khác thì Bitcoin luôn có hiệu suất vượt trội từ khi nó ra đời cho tới hiện tại. Với vốn hoá của Bitcoin ở mức 50% thị trường crypto thì việc cân nhắc phân bổ 50% danh mục của bạn cho Bitcoin là một lựa chọn hợp lý vì khi thị trường tăng giá, bạn vẫn hưởng lợi từ sự tăng giá đầu tiên và bền vững của Bitcoin và ngược lại, khi thị trường giảm giá, Bitcoin là thứ giúp bảo vệ danh mục của bạn. 

Sử dụng đòn bẩy quá cao 

Sử dụng đòn bẩy cao làm tăng khả năng mất hết vốn đầu tư. Khi bạn vay tiền để đầu tư, bất kỳ biến động nhỏ nào của thị trường cũng có thể dẫn đến mất mát lớn hơn. Nếu thị trường đi ngược lại dự đoán của bạn, bạn không chỉ mất số tiền đầu tư mà còn phải trả lại số tiền đã vay.

Khi nhắc đến sử dụng đòn bẩy, thì chúng ta thường liên tưởng đến việc mượn tiền của sàn giao dịch để giao dịch trong một thời gian ngắn. Nhưng nói rộng hơn đó là việc mượn tiền để đầu tư nói chung. 

Nếu bạn mượn tiền của ai đó để đầu tư, có thể là tiền của ba mẹ bạn, bạn bè bạn, người thân của bạn trong khi bạn thật sự chưa biết mình sẽ làm gì trong thị trường để sinh sôi số tiền đó một cách an toàn thì tốt nhất bạn nên sử dụng số vốn của chính bản thân mình để đầu tư. 

Vì nếu có sai lầm thì nó cũng chỉ ảnh hưởng một mình bạn và phạm vi sai lầm cũng nhỏ hơn rất nhiều so với việc bạn mượn một số tiền lớn từ nhiều người khác nhau. Chỉ đầu tư số tiền mà bạn có và không mượn tiền của bất cứ ai đặc biệt là sàn giao dịch. 

Thị trường đã cho chúng ta những căng thẳng nhất định về việc đầu tư, nên bạn không cần gánh thêm áp lực từ việc mượn tiền của người khác. Khiến bạn phải liên tục theo dõi thị trường và luôn trong trạng thái căng thẳng vì lo sợ mất mát. Áp lực này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và dẫn đến những quyết định đầu tư không hợp lý.

Điều này đặc biệt phù hợp với những người mới bước vào thị trường, khi kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng chưa có nhiều và dễ dàng ra những quyết định sai lầm đáng tiếc. 

Không sử dụng ví lạnh 

Mặc dù có nhiều bài học đáng tiếc về việc mất tiền do liên quan đến các vụ hack các dự án ví nóng hay sự sập đổ của các sàn giao dịch nhưng cho đến hiện tại, theo thống kê vẫn ghi nhận phần lớn crypto của các nhà đầu tư vẫn được lưu trữ trên các sàn giao dịch hoặc ví nóng.

Có rất nhiều lý do để họ làm như vậy, có thể vì nó tiện lợi và nhanh chóng. Có thể vì nó miễn phí vì không cần phải mua ví lạnh. 

Nhưng bất kể lý do là gì đi nữa, thì khi sự cố xảy ra thì kết quả chung cuộc là bạn vẫn mất các đồng coin giá trị của mình, hoặc nếu có thể lấy lại thì bạn phải chờ đợi rất lâu và chỉ có thể lấy lại một phần rất nhỏ số tiền mà bạn đánh mất. 

Nếu bạn tin những đồng crypto bạn đang tích trữ là quý giá và nó sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt trong dài hạn thì việc lưu trữ chúng trong ví lạnh là một cách hiệu quả nhất để bảo vệ chúng tránh khỏi những rủi ro trên thị trường. 

Và một tin vui là chi phí để bạn đầu tư một chiếc ví lạnh luôn nhỏ hơn “rất rất rất” nhiều lần số tiền mà bạn có thể bị đánh cắp nếu không dùng chúng. 

Thiếu kiến thức và kinh nghiệm 

Kiến thức là một biển mênh mông, và nếu học hết thì không biết bao giờ là đủ, đó là chỉ đang đề cập đến trong thị trường crypto nói riêng, còn trong thế giới tài chính nói chung thì quả thật có khi bạn có khi phải học cả đời. 

Nhưng không sao, tin tốt là bạn có thể bắt đầu đầu tư với số vốn nhỏ và học từ những kiến thức cơ bản nhất. 

Bạn sẽ không học đến mức để trở thành một nhà lập trình cho các dự án blockchain, nhưng cũng phải đủ để bạn có thể hiểu ra giá trị của crypto đối với thế giới tài chính nói riêng và những ngành nghề khác nói chung. 

Từ đó, nhận thấy đây là một công nghệ mà thế giới rất cần và nó sẽ ngày càng trở nên một lớn hơn. Những kiến thức cơ bản này giúp bạn trả lời được câu hỏi là tại sao tôi lại đầu tư vào thị trường crypto và khi có những giai đoạn khó khăn hay những tin tức tiêu cực ập đến thì bạn cũng đủ minh mẫn để nhận ra rằng đây chỉ là những thông tin FUD nhằm hù kẻ yếu tim và lấy đi những đồng crypto quý giá từ tay họ.

Nếu không biết bắt đầu học từ đâu trong thế giới rộng lớn này. Thì bạn có thể bắt đầu tại Bitcoin, tìm hiểu về cách Bitcoin hoạt động và những đặc tính của Bitcoin có giá trị gì cho thế giới tài chính. Sau đó là đến Ethereum với khái niệm hợp đồng thông minh và xa hơn là các biến thể khác được xây dựng trên hợp đồng thông minh như DeFi, NFTs, Gamefi và nhiều thứ khác. 

Tìm hiểu thêm: Bitcoin và câu chuyện về giá trị nội tại: Một góc nhìn mới

Kết luận

Nếu bạn thực hành hết tất cả những điều mà tôi đã nêu trên thì tôi không cam kết bạn sẽ có lợi nhuận trong thị trường tăng giá, nhưng tôi có thể tin rằng nó sẽ là một hàng rào vững chắc để bảo vệ bạn khỏi những rủi ro lớn mà một người mới lẫn cũ có thể mắc phải trong thị trường tăng giá nói riêng và cả hành trình đầu tư crypto nói chung. 


► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital


Ví trữ lạnh Ledger Nano X
09 Tháng 08, 2024 14:38